TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC THÁNH CHA

Từ trái sang phải: Đức Hồng Y Augustin Mayer, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Cha Josef Bisig F.S.S.P, Cha Denis Coiffet F.S.S.P (Ảnh được chụp ngày 6 tháng 7 năm 1988)

Vào ngày 11 tháng 02 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận bằng một Sắc Lệnh liên quan tới Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô về đặc sủng của tu đoàn. Trước đó vài tuần, Cha Joseph Bisig, Đấng Sáng Lập và Bề trên Tổng quyền tiên khởi, đã có một bài phỏng vấn trên tạp chí “Tu es Petrus”. Trong đó, ngài nhớ lại những kỷ niệm của bản thân về việc thành lập Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô vào năm 1988. Những dòng sau đây, được đọc dưới ánh sáng của Sắc Lệnh mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban cho Huynh Đoàn, cho thấy một điều vô cùng quan trọng có tính liên tục: từ năm 1988 đến năm 2022, cả ba Đức Giáo Hoàng đã xác nhận rằng Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô luôn ở trong Giáo Hội với đặc sủng riêng của mình: trung thành với các truyền thống phụng vụ, và trung thành với Tòa Thánh.

Cha Quentin Sauvonnet (Q.S.): Thưa cha, 11 năm trước khi thành lập Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô (FSSP), cha đã được truyền chức Linh mục vào năm 1977 trong Huynh Đoàn Thánh Piô X (SSPX). Cha đã trải qua những sự kiện gây hồi hộp như thế nào từ năm 1976 đến năm 1988?

Cha Joseph Bisig: Cần lưu ý rằng việc trừng phạt với Vạ Huyền Chức dành cho Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre vào năm 1976 là hậu quả của cuộc đàn áp khá bất công trước đó đối với Đại Chủng Viện quốc tế Econe và SSPX. Điều này bắt đầu vào năm 1973, khi đó, phương tiện truyền thông nói về một “chủng viện hoang dã” bất chấp sự chấp thuận của Giáo Hội, và sự việc đã lên đến đỉnh điểm là việc giải tán SSPX vào ngày 06 tháng 05 năm 1975, năm thánh của “sự giao hòa”! Mặc dù đã có những cảnh báo khá tiêu cực trước đó, chúng tôi là những Chủng sinh tại Econe vẫn khá sốc trước biện pháp hà khắc này, đặc biệt là sau cuộc thăm viếng theo Giáo Luật từ Rôma vào tháng 11 năm 1974, điều mà thường được coi là tích cực.

Phải thừa nhận rằng một số nhận xét của các vị Đại Diện Tòa Thánh trong chuyến thăm này đã làm dấy lên vụ bê bối của Đức Tổng Giám mục Lefebvre, nhưng những nhận xét này không phải là báo cáo về chuyến thăm của các vị. Một trong số các vị, Đức Cha Descamps đã nói tích cực về Đại Chủng viện với Liên Hội đồng Giám mục châu Âu tại Bỉ, và một vị khác trong chuyến viếng thăm đã nhấn mạnh trước mặt một giáo sư của Đại Chủng Viện: “Tôi cảm thấy 99% hài lòng”.

Chúng tôi đặc biệt đau buồn khi thấy rằng sự đàn áp này không chỉ nên khó khăn cho sự tồn tại của SSPX mà còn cả sự tồn tại của truyền thống phụng vụ Rôma trong lòng Giáo Hội. SSPX bị gạt ra bên lề, và thời điểm bấy giờ, phụng vụ truyền thống dường như cũng bị gạt ra bên lề, và có nguy cơ co cụm trong một khu ổ chuột, nơi mà các tín hữu Công Giáo không thể tiếp cận!

Đức Tổng Giám mục Lefebvre đã đệ đơn kháng cáo lên Rôma, và bị chặn lại bởi Phủ Quốc Vụ Khanh. Trên thực tế, Đức Hồng Y Villot đã cấm Đức Hồng Y Staffa – Chánh Án của Tối cao Pháp viện Tòa Thánh – tiếp nhận nó, với quả quyết rằng quyết định đàn áp SSPX đã được đích thân Đức Giáo Hoàng chấp thuận. Đức Tổng Giám mục Lefebvre cũng đưa ra kháng cáo lần thứ hai, yêu cầu cung cấp bằng chứng về quyết định của Đức Giáo Hoàng. Nhưng dường như Đức Giáo Hoàng không hề ban hành quyết định trên, vì kháng cáo lần thứ hai này chưa bao giờ được phản hồi.

Trong giai đoạn mà phụng vụ xuất hiện vô vàn và liên tiếp các thử nghiệm, trong đó có những điều là bất hợp pháp vào giai đoạn này vì Tòa Thánh chưa cho phép thực hiện, chẳng hạn như việc Rước lễ trên tay, Thánh Lễ được cử hành đối diện với tín hữu, các Kinh Nguyện Thánh Thể chưa được phê chuẩn, những lời nguyện chưa được kiểm duyệt và ban hành, …, Đức Tổng Giám mục Lefebvre chỉ xin Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho phép ngài “trải nghiệm Truyền Thống”, điều mà ngài bị nghiêm cấm! Nhờ Tự Sắc Ecclesia Dei, và sau đó là Tự Sắc Summorum Pontificum, giấc mơ của Đức Tổng Giám mục Lefebvre cuối cùng đã thành hiện thực.

Giấc mơ này cũng là của chính bản thân tôi kể từ khi tôi còn là một chủng sinh trẻ, khi SSPX với Đại Chủng Viện tại Econe bị đàn áp bất hợp pháp.

Đối mặt với những bất công rõ ràng trong phiên tòa chống lại Đức Tổng Giám mục Lefebvre bấy giờ, tôi chưa bao giờ nghiêm túc xem xét việc phải rời bỏ SSPX, ngay cả sau khi tôi bị cách chức khỏi vị trí Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Tâm ở Zaitzkofen. Lý do của việc tôi bị cách chức là vì tôi đã công khai phản đối ý định tấn phong Giám mục cách bất hợp pháp của Đức Tổng Giám mục Lefebrve khi không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Hơn nữa, tôi vẫn ở lại với sự đồng ý của Đức Tổng Giám mục Lefebvre, với tư cách là phụ tá Bề trên Tổng quyền trong hội đồng chung của SSPX . (Tại hội đồng chung năm 1982, tôi được bầu làm phụ tá thứ ba cho Đức Tổng Giám mục Lefebvre, cùng với Cha Franz Schmidberger, phụ tá thứ nhất và được chỉ định kế vị Đức Tổng Giám mục Lefebvre làm bề trên tổng quyền, và Cha Paul Aulagnier, phụ tá thứ hai. Khi Đức Tổng Giám mục Lefebvre từ chức Bề trên Tổng quyền vào năm 1983, tôi trở thành phụ tá thứ hai cho Cha Schmidberger.) Do đó, tôi đã có thể thúc đẩy Nghị Định Thư với Tòa Thánh, được ký kết vào ngày 5 tháng 5 năm 1988, ngày lễ kính thánh Giáo Hoàng Piô V.

Tôi phải thú nhận rằng trong mười một năm là Linh mục trong SSPX, tôi ngày càng cảm thấy, giống như nhiều anh em Linh mục khác của tôi, nhu cầu cấp bách phải hợp pháp hóa hoàn cảnh Giáo Luật của chúng tôi. Với tư cách là giáo sư tại Đại Chủng Viện, tôi đào sâu hơn về các nguyên tắc Công Giáo của Giáo Hội học, tôi ngày càng hiểu rõ điều cấp thiết này. Tôi và nhiều anh em trong SSPX đã nhận thấy vấn đề khi hầu hết thành viên của SSPX dần trở nên hài lòng, và thậm chí vui mừng, với tình trạng độc lập của SSPX, và tin rằng có thể tách biệt ơn công chính hóa với thẩm quyền Giáo Hội; cuối cùng là sự tưởng tượng về hai “Rôma”. Và suy nghĩ trên có thể khiến chúng ta từng chút một sa vào tình trạng Ly Giáo. Điều này rõ ràng là không thể chấp nhận được. Chỉ có một Giáo Hội duy nhất hữu hình, không phải là Đức Giáo Hoàng, nhưng là nơi có Đức Giáo Hoàng: Ubi Petrus, ibi Ecclesia! (Phêrô ở đâu, Giáo Hội ở đó!)

Cha Q.S.: Trong bối cảnh đó, với cương vị là phụ tá của Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre, cha có cảm nhận như thế nào về Nghị Định Thư ngày 5 tháng 5 năm 1988 như thế nào? Một sự nhượng bộ cần thiết hay một bước tiến quan trọng?

Cha Josef Bisig: Tôi không phải là thành viên của Ủy ban Thần học Tổng hợp được thành lập giữa Tòa Thánh và SSPX để soạn thảo Nghị Định Thư, nhưng tôi thấy rõ ràng rằng Nghị Định Thư là một thỏa thuận thực sự giữa hai bên, trong đó mỗi bên liên quan đều đã nhượng bộ một số điều.

Mặt khác, Tòa Thánh đã không yêu cầu phải công nhận sự thích đáng của những cải cách phụng vụ nhưng chỉ cần chấp nhận những bí tích trong phụng vụ canh tân là thành sự, và chấp thuận những điều được ghi trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô II. Điểm cuối cùng này vô cùng quan trọng đã góp phần vào sự thành công của Nghị Định Thư. Cha Benoit Duroux O.P., cố vấn của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã tìm ra giải pháp thích hợp cho vấn đề này: Đức Tổng Giám mục Lefebvre đã được yêu cầu công nhận thẩm quyền của huấn quyền Giáo Hội được chỉ dạy trong Điều 25 của Hiến Chế Lumen Gentium.

Về phần mình, Đức Tổng Giám mục Lefebvre đã có sự nhượng bộ phần nào khi chấp nhận tính hợp pháp của bộ Giáo Luật mới ban hành. Thật vậy, vào năm 1983, chính ngài đã thể hiện sự không mong muốn những Chủng sinh của mình phải học bộ Giáo Luật này. Đặc biệt, Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre cam kết sẽ chỉ tấn phong một Giám mục chứ không phải bốn Giám mục.

Ban đầu, Nghị Định Thư này đã được đón nhận hết sức vui mừng, như là hoa trái của biết bao lời cầu nguyện và hy sinh đã được dâng lên bởi những thành viên SSPX và các tín hữu đi theo. Nhưng khi Đức Tổng Giám mục Lefebvre tuyên bố rằng sẽ không tuân theo Nghị Định Thư này, mà lên kế hoạch tấn phong cho bốn Giám mục vào ngày 30 tháng 6 sau đó, thì những lời chỉ trích đã gia tăng trong nội bộ thành viên SSPX. Trên hết, sự nghi ngờ đã xuất hiện; những hoài nghi về việc Tòa Thánh hứa sẽ trao ban thánh chức Giám mục cho một thành viên của SSPX. Đức Hồng Y Ratzinger xác nhận lời hứa này trong một lá thư ngày 30 tháng 5 năm 1988, đảm bảo với Đức Tổng Giám mục Lefebvre, dưới sự thay mặt cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, rằng ngài có thể tấn phong Giám mục cho SSPX không trễ hơn ngày 15 tháng 8 cùng năm. Thật bi thảm, Đức Tổng Giám mục Lefebvre, sau nhiều năm đấu tranh và chịu những đàn áp bất công, đã đánh mất niềm tin vào Tòa Thánh. Vào ngày 5 tháng 7, khi chúng tôi gặp Đức Hồng Y Ratzinger tại Rôma, sau cuộc tấn phong Giám mục ngày 30 tháng 6, chính ngài đã an ủi chúng tôi rằng: “Cuộc ly giáo bi thảm này không chỉ do lỗi của Đức Tổng Giám mục Lefebvre, mà còn là lỗi của các giáo sĩ ở đây!

Cha Q.S.: Cha có thể thuật lại những mong đợi và ý định của cha khi cha đến Rôma cùng với các giáo sĩ khác vào thời điểm sau cuộc thánh hiến không?

Cha Josef Bisig: Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã khá bi quan khi đến Rôma để cố gắng thành lập một hiệp hội gồm các Linh mục có quyền duy trì phụng vụ truyền thống. Hai vị Giám đốc tiền nhiệm tại Đại Chủng Viện ở Econe đều đã cố gắng cách độc lập, và vào hai thời điểm khác nhau, họ đều thực hiện một điều đó là rời bỏ Đức Tổng Giám mục Lefebvre, nhưng họ đã không thành công. Cho tới lúc đó, tôi đã cho rằng: đừng bao giờ rời bỏ Đức Tổng Giám mục Lefebvre và SSPX! Nhưng sau cuộc tấn phong bốn Giám mục vào ngày 30 tháng 6 năm 1988 chống lại ý định của Đức Giáo Hoàng, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Là một con người bình thường, tôi đã khá tuyệt vọng. Trên đường đến Rôma vào tháng 7 năm 1988, cha Denis Coiffet, một trong vị đồng sáng lập FSSP, và chính tôi đã nói đùa rằng: “Nếu chúng ta không thành công với việc thành lập, chúng ta luôn có thể trở thành tài xế lái taxi ở Rôma.”

Thường thì những thành viên của SSPX rất hay trách móc những vị sáng lập FSSP vì đã quá ngây thơ, để bản thân bị mê hoặc bởi những lời hứa của Đức Giáo Hoàng trong Tự Sắc Ecclesia Dei. Tôi đã biết về việc ban hành Tự Sắc này qua đài phát thanh khi đang lái ô tô của mình, sau khi rời khỏi cộng đoàn SSPX của tôi ở Überlingen để tham gia cuộc họp đầu tiên của những vị sáng lập ở một ngôi làng gần Vienna, Áo. Tự Sắc chắc chắn đã đem lại một số hy vọng, nhưng tôi vẫn rất lo lắng. Tôi hoàn toàn không loại trừ giả thuyết, được Đức Tổng Giám mục Lefebvre và nhiều cộng sự cũ bảo vệ, rằng Tự Sắc này chỉ là một cái bẫy để Rôma chia rẽ và làm suy yếu SSPX, và rằng FSSP sẽ bị bãi bỏ, trễ nhất là sau ba năm. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi phải cố gắng; mục tiêu của chúng tôi rõ ràng không phải là phá hủy SSPX. Mục tiêu của chúng tôi đã, đang, và sẽ luôn là phục vụ vì sự hiệp nhất của Giáo Hội và trung thành bảo vệ truyền thống trong lòng Giáo Hội.

Cha Q.S.: Ai là người chủ động trong các đề xuất: Rôma hay những vị sáng lập FSSP?

Cha Josef Bisig: Trong những cuộc gặp đầu tiên với Đức Hồng Y Augustin Mayer và Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, chúng tôi trình bày Bản Tuyên Bố Về Ý Định Thành Lập đã được soạn và ký trước đó. Dưới đây là một phần quan trọng của Bản Tuyên Bố trên:

“Vì danh dự và vinh quang của Giáo Hội Công Giáo, vì niềm an ủi đối với các tín hữu đang gặp nhiều khó khăn, và vì sự bình an trong tâm hồn của các tín hữu ấy, những thành viên có tên dưới đây, thuộc Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X cho đến nay, tuyên bố với lòng hối hận sâu sắc về việc tấn phong Giám mục bất hợp pháp vào ngày 30 tháng 06 năm 1988 rằng những thành viên này vẫn ở trong Giáo Hội Công Giáo với tư cách pars sanior của Huynh Đoàn trên, và những thành viên ấy chỉ có một ước muốn: có thể tồn tại như một cộng đoàn tu sĩ trong Giáo Hội và đặt dưới quyền của Đức Giáo Hoàng Rôma – đấng cai quản tối cao của Giáo Hội.”

Chúng tôi bày tỏ hy vọng được những vị có thẩm quyền trong Giáo Hội thành lập một hiệp hội theo Giáo Luật, để hoàn thành ơn gọi của chúng tôi, để có thể cống hiến hết mình cho việc săn sóc các linh hồn, để có thể đào tạo các Linh mục theo tinh thần Công Giáo, và đặc biệt, để có thể cử hành phụng vụ thánh theo một Truyền Thống không thể bị lãng quên.

Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi Bản Tuyên Bố trên đã được các Đức Hồng Y đón nhận rất tích cực. Đức Ông Camille Perl, thư ký của Đức Hồng Y Mayer – Chủ tịch Ủy ban Ecclesia Dei, chỉ cho chúng tôi biết cách tiến hành: “Việc thành lập tùy thuộc vào cha. Chúng tôi sẽ phê duyệt những gì cha gửi cho chúng tôi.” Những vị sáng lập sau đó đã gặp nhau để có một cuộc họp thành lập. Ở đó, chúng tôi thảo luận và soạn thảo Hiến Pháp của hiệp hội, và được đệ trình để chờ sự chấp thuận của Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đấng mà chúng tôi đã có thể yết kiến riêng vào ngày 6 tháng 7, rất vui khi biết rằng chúng tôi muốn đặt hiệp hội của chúng tôi dưới sự bảo trợ của thánh Phêrô, Vương tử của các Tông đồ. Từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 7 năm 1988, chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận với các vị giám chức của Giáo Triều Rôma, và tôi rất vui mừng khi các mục tiêu thiết yếu của chúng tôi, đó là việc đào tạo theo hướng truyền thống đối với các Linh mục trong tương lai, và về phụng vụ truyền thống, đã không bị chê trách dù chỉ là một câu nói. Và cũng tương tự đối với việc hiệp hội của chúng tôi trong tương lai sẽ thuộc thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng: điều này đã được hứa với chúng tôi mà chúng tôi không cần phải xin; do đó, ngay từ đầu, hiệp hội của chúng tôi đã có được lợi thế là thuộc quyền Giáo Hoàng, nhờ đó mà mang tính quốc tế. Và ngay cả câu hỏi về việc tấn phong Giám mục, vốn được trao cho Đức Tổng Giám mục Lefebvre vì “lý do thực tế và tâm lý” theo các điều khoản của Nghị Định Thư, cũng đã được thảo luận trong những cuộc gặp này. Tôi thấy rất vui vì cuối cùng, chỉ còn duy nhất một vấn đề cần thảo luận vào lúc đó giữa chúng tôi và Tòa Thánh.

Cha Q.S.: Nghị Định Thư đã có vai trò như thế nào đối với việc thành lập FSSP?

Cha Josef Bisig: Nghị Định Thư thực sự rất cơ bản, là cơ sở của hiệp hội mới của chúng tôi. Chúng tôi đã làm rõ điều này trong Bản Tuyên Bố Về Ý Định Thành Lập ngày 2 tháng 7 năm 1988:

“Với sự toại nguyện lớn lao, những thành viên trên khẳng định rằng những xác quyết vô cùng quảng đại và giàu tình mẫu tử mà Giáo Hội dành cho Huynh Đoàn trong Nghị Định Thư ngày 05 tháng 05 năm 1988 đã đặt nền móng cho một tương lai Công Giáo sinh nhiều hoa trái và vững chắc cho cộng đoàn tu sĩ của họ.”

Đây là lý do tại sao, như tôi thường nói trong những bài giảng của mình về lịch sử của FSSP, tôi không coi tôi cùng với mười một vị đồng sáng lập như những người sáng lập thực sự: chúng tôi chỉ đơn giản là tiếp nối SSPX nhưng trong lòng Giáo Hội, nhờ Nghị Định Thư được ký kết bởi Đức Tổng Giám mục Lefebvre và Đức Hồng Y Ratzinger. Điều này đã được xác định trong Hiến Pháp của chúng tôi khi lấy cảm hứng từ Hiến Pháp của SSPX, trong đó các mục tiêu nhằm thích ứng với những khủng hoảng hiện tại của Giáo Hội đã được minh định rất rõ ràng.

Cha Q.S.: Cha và các anh em Linh mục có được yêu cầu phải cử hành Thánh Lễ canh tân không?

Cha Josef Bisig: Đây là điều khiến tôi ngạc nhiên và vui mừng nhất trong những ngày ở Rôma vào đầu tháng 7 năm 1988: không một ai trong Giáo Triều Rôma nói với chúng tôi về nghĩa vụ như trên. Trái lại: các ngài ngay lập tức giúp chúng tôi dễ dàng cử hành phụng vụ theo những sách phụng vụ ấn bản năm 1962 tại các nhà thờ ở Rôma. Và vì thế, vào ngày 6 tháng 7, chúng tôi đã nhận được những “celebret” rất đặc biệt, được ký bởi Đức Hồng Y Ratzinger và Đức Hồng Y Mayer!

Sau đó, khi vị Giám mục nào đề nghị các Linh mục của chúng tôi phải đồng tế trong nghi thức canh tân, tôi đã đặc biệt nhấn mạnh các Linh mục của FSSP phải tham dự vào những dịp đặc biệt như Thứ Năm Tuần Thánh, và rước lễ tại đó. Đức Hồng Y Ratzinger đồng ý với tôi về điểm này: sự hiệp thông bí tích như vậy tạo nên một dấu chỉ hữu hình vô cùng rõ ràng về sự hiệp thông trong Giáo Hội, và tất nhiên cũng thể hiện sự công nhận của chúng tôi về tính thành sự và hợp lệ của Thánh Lễ canh tân.

Cha Q.S.: Cha có thể cho chúng tôi biết thêm một chút về các câu hỏi tín lý không? Cha có đồng ý điểm này của Nghị Định Thư đã được trao cho Đức Tổng Giám mục Lefebvre không?

Cha Josef Bisig: Tôi thừa nhận rằng tôi đã rất ngạc nhiên và vui mừng khôn tả khi thấy biết bao nhiêu người đối thoại với chúng tôi ở Rôma, ngay từ những ngày đầu thành lập, rất cởi mở với những lời góp ý mang tính xây dựng về Công đồng và những cải cách sau đó. Trong bối cảnh này, tôi đặc biệt nhớ tới những cuộc thảo luận tốt đẹp với Cha Benoit Duroux O.P. về Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae. Và ngay cả trong những cuộc thảo luận với các Đức Hồng Y của Giáo Triều Rôma, chúng tôi có thể thấy được sự hiểu biết sâu sắc về những góp ý chân tình của chúng tôi đối với chủ nghĩa đại kết và cách chủ nghĩa này đang được thực hành trong Giáo Hội.

Và cuộc đối thoại tốt đẹp này cũng là kết quả của Nghị Định Thư:

“Đối với những điểm nhất định do Công đồng Vaticanô II giảng dạy hoặc liên quan đến những cải cách sau này về phụng vụ và giáo luật, và dường như chúng tôi sẽ cố gắng hòa hợp điều đó với Truyền Thống dù sẽ khó khăn, chúng tôi cam kết sẽ có một thái độ học tập tích cực và đối thoại với Tòa Thánh, tránh tất cả những cuộc luận chiến, công kích.”