LỄ THÁNH GIUSE THỢ

Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Thánh Giuse Thợ. Lễ này thực sự khá mới do được Đấng Đáng Kính Giáo Hoàng Piô XII thiết lập vào năm 1955. Lễ này đã thay thế cho lễ kính Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ do Đức Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX thiết lập vào năm 1847, được cử hành vào thứ Tư, sau Chúa Nhật II, sau lễ Phục Sinh; mà theo truyền thống của Giáo Hội, thứ Tư là ngày dành cho Thánh Giuse.

Vào lễ kính Thánh Giuse ngày 19 tháng 03, chúng ta chủ yếu nhìn vào vai trò của Thánh Giuse trong công cuộc cứu rỗi với tư cách là Bạn Thanh Sạch của Mẹ Maria, Cha Nuôi của Chúa Giêsu, và Đấng Bảo Trợ của Giáo Hội. Hôm nay, chúng ta suy ngẫm về gương của ngài như một người thợ mộc, về sự thánh hóa công ăn việc làm.

Trong sách Khải Huyền, Thiên Chúa muốn con người lao động. Chúng ta cũng đọc trong sách Sáng Thế rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa đã đem con người và đặt anh ta vào khu vườn của Người, để trồng trọt và chăm bón cho nó.” (St 2, 15) Trong sách Xuất Hành: “Các ngươi có sáu ngày để lao động, và làm tất cả công việc của các ngươi.” (Xh 20, 9) Và Thánh Phaolô nhắc lại lời của Tân Ước khi viết cho giáo hữu Thếtsalônica: “Vì ngay cả khi chúng tôi ở với anh em, chúng tôi đã ban cho anh em điều luật này: “Anh em không làm thì đừng có ăn.” (2 Th 3, 10)

Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng lao động là ơn gọi của con người trong kế hoạch của Thiên Chúa. Nó cho phép con người tham gia một cách nhất định vào công cuộc Tạo Dựng của Thiên Chúa. Bởi thế, đây là một phẩm giá tuyệt vời.

Lao động là tốt và cần thiết; tuy nhiên, các điều kiện lao động phải xem xét dựa trên Lề Luật của Thiên Chúa cũng như phẩm giá của con người. Thật không may, kể từ cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ XIX, Thiên Luật và phẩm giá con người không phải lúc nào cũng được tôn trọng. Đây là lý do tại sao từ thế kỷ XIX, Huấn Quyền của Giáo Hội về lao động đã có sự phát triển.

Năm 1891, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã viết Thông Điệp Rerum Novarum để bênh vực giai cấp công nhân đang phải chịu cảnh đói nghèo. 40 năm sau, Đức Giáo Hoàng Piô XI viết Thông Điệp Quadragesimo Anno; và 90 năm sau, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành Thông Điệp Laborem Exercens. Ngoài những Thông Điệp tuyệt vời kể trên, các Giáo Hoàng thường nói về lao động trong nhiều dịp khác nhau: trong những buổi tiếp kiến chung, qua những lá thư, và nhất là các bài giảng. Đối với Giáo Hội, vấn đề lao động trong xã hội là điều quan trọng.

Sẽ mất rất nhiều thời gian để nói trong bài giảng này cách rõ ràng và đầy đủ về toàn bộ Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, và Cha khuyến khích anh chị em đọc các văn kiện của Giáo Hội về vấn đề này. Giờ đây, Cha muốn tập trung vào một điểm đáng tiếc vì nó gần như bị lãng quên hoàn toàn trong xã hội hiện đại của chúng ta. Ở trên, Cha đã nói rằng các điều kiện lao động phải xem xét đến Thiên Luật. Hãy quay trở lại sách Xuất Hành: “Hãy nhớ giữ ngày sabát là ngày thánh. Trong sáu ngày, các ngươi sẽ lao động cực nhọc để làm tất cả những công việc mà các ngươi phải làm. Khi ngày thứ bảy đến, đó là ngày nghỉ ngơi, được thánh hóa cho Đức Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Ngày đó, mọi công việc sẽ ngưng lại.” (Xh 20, 8 – 10)

Thiên Chúa đã dạy rõ rằng ngày thứ bảy là ngày của Người, và giờ đây chính là ngày Chúa Nhật. Bất kỳ sách Giáo Lý Công Giáo nào cũng dạy chúng ta về sự thánh hóa ngày Chúa Nhật, và dạy rằng làm việc vào Chúa Nhật là tội trọng. Tất nhiên, có một số ngoại lệ cho phép một số công việc cần thiết vào ngày này, nhưng ngoại lệ không phải là quy tắc!

Khi giảng về những người làm việc vào Chúa Nhật, Thánh Gioan Maria Vianney nói: “Bạn làm việc, bạn làm việc, nhưng những gì bạn kiếm được sẽ hủy hoại linh hồn bạn! Nếu chúng ta hỏi những người làm việc vào Chúa Nhật, họ có thể trả lời rằng: Tôi vừa bán linh hồn mình cho ma quỷ, đóng đinh Chúa chúng ta và từ bỏ những lời hứa trong phép Rửa Tội.” Sau đó, ngài trích lời Chúa Giêsu: “Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời, mà Con Người sẽ ban cho các ngươi.” (Ga 6, 27)

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin cùng thánh Giuse để làm tốt công việc của bản thân, và gìn giữ Ngày của Thiên Chúa luôn được thánh hóa! Amen.