NGHỊ ĐỊNH THƯ

Nghị Định Thư được ký kết tại Rôma trong cuộc gặp giữa Đức Hồng Y Joseph Ratzinger và Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre. Đức Tổng Giám mục đã hủy bỏ Nghị Định Thư trước khi thực hiện việc tấn phong Giám mục vào ngày 30 tháng 06 năm 1988 khi không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng và trái với mong muốn của Đức Giáo Hoàng.

I. Tuyên ngôn về Tín biểu:

Tôi, Marcel Lefebvre, là Tổng Giám mục, Giám mục Danh dự của Tulle, cùng với các thành viên của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X do tôi thành lập:

1. Hứa luôn trung thành với Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo hoàng La Mã, Vị Mục tử Tối cao, Vị Đại diện của Chúa Kitô, Đấng Kế vị thánh Phêrô trên cương vị Thủ lãnh của toàn thể Giám mục.

2. Chúng tôi tuyên bố chấp thuận những lời được ghi trong điều 25 của Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium của Công đồng Vaticanô II về Huấn quyền của Giáo Hội và tuân phục Huấn quyền ấy.

3. Đối với những điểm nhất định do Công đồng Vaticanô II giảng dạy hoặc liên quan đến những cải cách sau này về phụng vụ và giáo luật, và dường như chúng tôi sẽ cố gắng hòa hợp điều đó với Truyền Thống dù sẽ khó khăn, chúng tôi cam kết sẽ có một thái độ học tập tích cực và đối thoại với Tòa Thánh, tránh tất cả những cuộc luận chiến, công kích.

4. Chúng tôi tuyên bố công nhận tính thành sự và hợp pháp của Hy Tế Thánh Lễ và của các Bí tích được cử hành với ý định thực hiện theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, và theo các nghi thức được ân chuẩn trong Sách Lễ Rôma và sách Các Phép do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành.

5. Cuối cùng, chúng tôi hứa sẽ tôn trọng kỷ luật chung của Giáo Hội và các luật lệ khác của Giáo Hội, đặc biệt là những quy định được ấn định trong Bộ Giáo Luật do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành, không phương hại đến kỷ luật đặc biệt được ấn định bởi những điều luật riêng của Huynh Đoàn.

II. Yêu cầu về Pháp lý:

Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X đã được hình thành trong 18 năm như một cộng đoàn tu sĩ – và sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các luận đề do Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre đưa ra, và những kết luận từ cuộc Viếng thăm Tông Tòa bởi Đức Hồng Y Édouard Gagnon – tình trạng Giáo Luật thích hợp nhất là Tu Đoàn Tông Đồ.

1. Tu Đoàn Tông Đồ:

Đây là giải pháp khả thi theo Giáo Luật với ưu điểm là cho phép nhận giáo dân vào Tu Đoàn Tông Đồ.

Theo Bộ Giáo Luật ban hành năm 1983, điều 731 – điều 746, Tu Đoàn này được hưởng quyền tự chủ hoàn toàn, có thể tiếp nhận các thành viên, có thể phong chức cho những giáo sĩ, và có thể đảm bảo đời sống cộng đoàn của các thành viên.

Trong những Quy định thích hợp, với tính linh hoạt và khả năng sáng tạo liên quan đến các mô hình đã biết của các Tu Đoàn Tông Đồ này, có thể thấy trước một sự miễn trừ nhất định đối với các Giám mục giáo phận (Giáo Luật, điều 591) trong các vấn đề liên quan đến việc cử hành việc thờ phượng công khai, cura animarum (chăm sóc các linh hồn) và các hoạt động tông đồ khác, xin xem kỹ Giáo Luật điều 679 – điều 683.

Về quyền tài phán đối với những tín hữu đang cần có các Linh mục của Huynh Đoàn sẽ được trao cho những Linh mục này bởi các Đấng Bản Quyền địa phương hoặc bởi Tòa Thánh.

2. Ủy ban Giáo Hoàng:

Một Ủy ban điều phối liên hệ với các giáo phận khác nhau và các Giám mục giáo phận, cũng như để giải quyết các vấn đề và những tranh chấp, sẽ được thành lập thông qua sự quản lý của Tòa Thánh, và sẽ được trao những năng quyền cần thiết để giải quyết các câu hỏi nêu trên (ví dụ: thiết lập nơi thờ phượng, tiếp nhận những thỉnh cầu của các tín hữu, những nơi không có nhà của Huynh Đoàn, ad mentem, Giáo Luật điều 683, khoản 2)

Ủy ban này sẽ bao gồm một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch và năm thành viên, trong đó hai thành viên đến từ Huynh Đoàn.

Trong những vấn đề khác, Ủy ban sẽ có chức năng thực hiện việc nhắc nhở và hỗ trợ giảng hòa và điều chỉnh các yêu cầu liên quan đến những cộng đoàn tu sĩ có mối liên hệ pháp lý hoặc thiêng liêng với Huynh Đoàn.

3. Tình trạng của những người đã kết hiệp với Huynh Đoàn:

3.1. Các thành viên của Huynh Đoàn (các Linh mục và những giáo dân liên kết) được hướng dẫn bởi Quy chế dành cho Tu Đoàn thuộc quyền Giáo Hoàng.

3.2. Các tu sĩ nam nữ, cho dù đã tuyên khấn cách riêng tư hay công khai, và các thành viên của Dòng Ba có liên hệ với Huynh Đoàn, tất cả đều thuộc về một Hiệp Hội những tín hữu liên kết với Huynh Đoàn theo điều 303, và cộng tác với Huynh Đoàn.

3.3. Các chị em (nghĩa là Tu Hội do Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre thành lập) tuyên khấn cách công khai; sẽ tạo thành một dòng tu thật sự dành cho đời sống thánh hiến, với cơ cấu và quyền tự trị riêng, ngay cả khi một liên kết nhất định được dự tính cho sự hiệp nhất linh đạo của Tu Hội đó với Bề Trên của Huynh Đoàn. Tu Hội này – ít nhất là lúc ban đầu – sẽ thuộc về Ủy ban trên, thay vì Bộ Tu sĩ.

3.4. Các thành viên của cộng đoàn sống theo những quy định của dòng tu khác nhau (Dòng Cát Minh, Dòng Biển Đức, Dòng Đaminh,…) và những người bị ràng buộc về mặt thiêng liêng với Huynh Đoàn; những điều này sẽ được đưa ra, trong từng trường hợp, để có một quy chế cụ thể nhằm điều chỉnh mối liên kết của họ với những quy định tương ứng.

3.5. Các Linh mục, với tư cách cá nhân, có liên hệ về mặt thiêng liêng với Huynh Đoàn, sẽ nhận được một quy chế cá nhân có tính đến nguyện vọng của họ, và đồng thời, các nghĩa vụ bắt nguồn từ việc họ phải chịu hình phạt. Trường hợp cụ thể khác có cùng tính chất sẽ do Ủy ban trên xem xét và giải quyết.

Còn đối với những giáo dân yêu cầu sự trợ giúp mục vụ từ các cộng đoàn của Huynh Đoàn, họ sẽ vẫn thuộc quyền của Giám mục giáo phận, nhưng – đặc biệt là do các nghi thức phụng vụ của các cộng đoàn của Huynh Đoàn – họ sẽ có thể đến những cộng đoàn đó để nhận lãnh Bí tích, (đối với các Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Hôn Phối, các thông báo thông thường vẫn phải được trao cho linh mục chánh xứ có quyền trên họ), lưu ý đến Giáo Luật điều 878, điều 896, và điều 1122.

Lưu ý: Cần chú ý đến sự phức tạp cụ thể của hai vấn đề sau:

1. Vấn đề giáo dân lãnh nhận các Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Hôn Phối trong các cộng đoàn của Huynh Đoàn.

2. Vấn đề về các cộng đoàn thực hành những quy định của dòng tu này hoặc dòng tu khác mà không thuộc dòng tu đó. Ủy ban trên sẽ có thẩm quyền giải quyết những vấn đề này.

4. Truyền chức:

Đối với việc truyền chức, cần phân ra hai giai đoạn:

4.1. Trong tương lai gần: Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebrve được trao năng quyền để truyền chức trong tương lai gần; nếu ngài không thể cử hành, một Giám mục do ngài chỉ định sẽ được trao năng quyền ấy.

4.2. Sau khi đã chính thức thành lập như một Tu Đoàn Tông Đồ:

4.2.1. Dựa theo phán quyết của Bề Trên Tổng Quyền và phải cố hết sức có thể để tuân thủ cách thông thường: gửi thư giới thiệu đến vị Giám mục chấp nhận truyền chức cho Huynh Đoàn.

4.2.2. Trong hoàn cảnh đặc biệt của Huynh Đoàn, vị Giám mục sẽ được tấn phong trong tương lai từ Huynh Đoàn cũng có năng quyền để cử hành việc truyền chức.

5. Tấn phong Giám mục:

5.1. Trên bình diện Giáo Lý và Giáo Hội học, việc đảm bảo sự ổn định và duy trì đời sống cùng những hoạt động của Huynh Đoàn được đảm bảo bằng việc Huynh Đoàn được xây dựng như một Tu Đoàn Tông Đồ thuộc quyền Giáo Hoàng và được Đức Giáo Hoàng châu phê Hiến Pháp của Huynh Đoàn.

5.2. Tuy nhiên, vì những lý do thực tế và tâm lý, việc tấn phong một thành viên của Huynh Đoàn trở thành Giám mục dường như hữu ích. Vì thế, trong bối cảnh của những giải pháp được đưa ra để bình thường hóa về mặt Giáo Lý và Giáo Luật, chúng tôi đề nghị Đức Giáo Hoàng nêu tên một Giám mục được chọn trong số những thành viên của Huynh Đoàn, do Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre đã đệ trình. Do những nguyên tắc đã được nêu, vị Giám mục này không trở thành là Bề Trên Tổng Quyền của Huynh Đoàn. Và vị Giám mục ấy có thể trở thành thành viên của Ủy ban trên.

6. Những vấn đề cụ thể:

Sẽ được giải quyết qua các Nghị Định Thư sau này hoặc những Tuyên Bố trong tương lai.

– Tháo gỡ những đình chỉ đang áp dụng với Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebrve, đặc biệt là việc thu hồi năng quyền truyền chức của Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebrve.

– Sanatio in radice, hoặc ít là ad cautelam, đối với những hôn lễ được cử hành bởi Linh mục của Huynh Đoàn mà không có sự ủy quyền hợp pháp.

– Ban một “ân xá” và một thỏa thuận dành cho các nhà và nơi cử hành việc thờ phượng được xây dựng – hoặc sử dụng – bởi Huynh Đoàn, cho đến nay mà không có sự cho phép của các Giám mục địa phương.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger
Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebrve