THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY

Sài Gòn, ngày 28 tháng 02 năm 2022

Nhiều người cảm thấy khó chịu khi được nói cho rằng: “Nếu ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta!” (Mt 16, 24 ; Ga 9, 23)

Nhưng vào ngày tận thế, sẽ thật chói tai đến dường nào khi phải nghe: Hỡi phường bị chúc dữ, hãy xéo đi xa Ta, mà vào lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỉ cùng chư thần của nó. (Mt 25,41)

Sách Gương Chúa Giêsu, quyển thứ hai, chương XII viết về Đường Thánh Giá đã dạy chúng ta rằng: “Những ai giờ đây nghe lời thập giá và sẵn sàng đi theo thì không sợ phải nghe án phạt đời đời ấy vào ngày phán xét.

Anh chị em thân mến!

Những lời trên được trích từ sách Gương Chúa Giêsu là sự khích lệ dành cho mỗi chúng ta để bước vào Mùa Chay mới này. Những lời ấy nhắc nhở chúng ta về mục đích và bản chất không những của Mùa Chay mà còn về cuộc sống của con người chúng ta trên trái đất: Hãy chối bỏ chính mình! Hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày! Hãy theo Chúa Giêsu Kitô!

Chúa Giêsu là Khởi Nguyên và là Cùng Tận. (Kh 22,13) Người cũng chính là đường, là sự thật và là sự sống. (Ga 14, 6) Nhưng tội lỗi đã khiến chúng ta xa lạc đường ngay nẻo chính, đã khiến chúng ta rơi vào sự dối trá, và làm cho chúng ta đánh mất sự sống đích thực. Chúng ta đã phạm tội khi kết liễu sinh mạng của một người khi quyền ấy vốn dĩ thuộc về Thiên Chúa. Tất cả các tạo vật được Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta có nghĩa vụ chăm sóc, yêu thương, và sử dụng chúng nhằm phụng sự Người, nhưng chúng ta đã quên mất điều đó, mà lại sử dụng chỉ vì thú vui của bản thân, vì lợi ích của mỗi cá nhân, đến nỗi đã tàn phá công trình tạo dựng của Người. Thánh Inhaxiô thành Lôyôla đã diễn giải cách hoàn hảo về điều này trong bài “Nguyên Lý và Nền Tảng” của ngài: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình. Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Ðấng Tạo Hóa đặt cho họ. Bởi thế người ta chỉ được sử dụng thọ tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh, và phải gạt bỏ khi chúng làm cản trở.”

Đó là lý do mà tội lỗi trái nghịch với sự khôn ngoan, vì nó thuộc về sự khôn ngoan để biết sắp xếp và chọn lựa phương thế thích hợp nhằm hướng đến một mục tiêu nhất định. Bởi thế, tội lỗi trái nghịch với lý trí. Hơn nữa, tội lỗi trái nghịch với Thiên Chúa và Lề Luật của Người. Do đó, tội lỗi là sự xâm phạm đến Người.

Nếu chúng ta có thể kiểm soát tốt những ham mê và ý chí của bản thân, chúng ta sẽ tự giác hành động lý trí và trở thành kẻ hầu cận của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đều biết thực tế không dễ dàng như vậy. Mặc dù không có bất cứ vận mệnh nào gắn kết với tội lỗi, chúng ta vẫn cần nhớ một điều quan trọng là chúng ta rất dễ bị cám dỗ, mà suy nghĩ rằng việc bản thân phạm tội là điều không thể làm khác được, là vận mệnh đã sắp đặt. Điều này là không đúng. Tội lỗi là một hành động theo ý muốn của bản thân chúng ta. Nói cách khác, khi ta phạm tội, là vì ta muốn phạm tội, dù chỉ trong một giây nhỏ nhoi. Và chúng ta đều biết rằng ý chí của chúng ta đã bị thay đổi rất nhanh chóng. Cho dù chúng ta có chắc chắn sẽ hối hận về tội lỗi của bản thân ngay sau đó, nhưng chúng ta vẫn muốn phạm phải tội lỗi ấy.

Vì thế, một phần quan trọng đời sống Kitô hữu bao gồm việc khôi phục quyền thống trị hoàn toàn của chúng ta đối với những ham muốn của bản thân, và việc khiến ý chí của chúng ta phục tùng triệt để Thánh Ý của Thiên Chúa. Nhưng điều này không chỉ thực hiện trong một sớm một chiều; mà chúng ta cần phải thi hành cách lâu dài và hết sức kiên nhẫn, nên duy trì chúng trong suốt cuộc đời ta, cho đến khi rời khỏi thế gian. Nếu chúng ta không nỗ lực hết mình thì những kỷ luật của cuộc sống và ân sủng của Thiên Chúa sẽ trở nên vô ích. Nói cách khác, chúng ta phải liên lỉ cầu nguyện và chịu lấy những hy sinh, đôi khi cả những đau đớn về mặt thể xác.

Hàng năm, Mùa Chay đến như một dịp thuận tiện giúp chúng ta tiến gần hơn về Chúa, hoặc trở lại với Người. Đây là thời gian của sự sám hối ăn năn và sự hy sinh từ bỏ. Việc từ bỏ quan trọng nhất là từ bỏ chính bản thân ta. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể vác thập giá theo chân Chúa Giêsu Kitô. Cũng vì thế, một người không thể có được một đời sống Kitô hữu sâu sắc và đích thực nếu chưa biết từ bỏ chính mình.

Chúng ta hãy nghe những lời khôn ngoan của thánh Gioan Henry Niuman về điều này:

“Một cách hiển nhiên, việc từ bỏ chính mình dưới bất kỳ hình thức nào đều liên quan đến khái niệm về sự phục hồi và sự vâng phục thánh thiện. Thay đổi trái tim chúng ta là học cách yêu những thứ mà tự bản chất chúng ta không thích, nhờ đó mà không học về tình yêu dành cho thế gian này; và nó cũng tác động đến sự kìm hãm những mong muốn cá nhân và nhãn quan của chúng ta. Quả thế, sự công bình và vâng phục được ngụ ý là sự tự chủ, nhưng để có được sức mạnh thực hiện những sự ấy thì ta phải giành lấy nó. Nếu không có sự đấu tranh mạnh mẽ, chúng ta sẽ không thể đạt được điều này, một trận chiến trường kỳ chống lại chính bản thân ta. Thực tế, chính việc sống hữu thần là một cách từ bỏ bản thân, vì tự bản chất chúng ta không yêu thích tôn giáo.

Tự bản chất, chúng ta không yêu thích tôn giáo! Tất nhiên, Đức Hồng Y Niuman đang suy tư về bản chất của chúng ta ở thời điểm hiện tại. Một bản chất bị tổn thương nặng nề bởi tội nguyên tổ, và bởi tất cả các tội lỗi mà cá nhân phạm phải. Một biểu hiện rất rõ cho những vết thương của bản chất ấy là thứ chúng ta gọi là những tội lỗi dẫn đến sự chết. Khi đi theo khuynh hướng của bản chất, chúng ta chắc chắn sẽ sa vào tội lỗi đưa đến sự chết ấy. Đáng buồn thay, nhiều tín hữu Công Giáo không dành thời gian, hoặc dành không đủ, để xem xét và tìm hiểu về những khuynh hướng của bản chất con người, thứ mà họ cho rằng là tốt đẹp. Vì vậy, họ đã tự đẩy bản thân xuống vực thẳm là một cuộc sống tội lỗi.

Sách Gương Chúa Giêsu, quyển thứ ba, chương LIV đã dạy chúng ta rằng: “Hỡi con! Hãy phân định cho rõ những hành động bởi bản chất với hành động nhờ ân sủng, vì chúng theo chiều hướng hết sức ngược nhau và vô cùng phức tạp. Trừ người sống nội tâm và được ơn trời soi sáng, chứ mấy ai phân biệt nổi.

Sẽ hữu ích đến dường nào nếu chúng ta dành thời gian để đọc và suy ngẫm toàn bộ chương trên của cuốn sách, vì chương này thực sự có thể giúp chúng ta phân định tốt; nhờ đó, chúng ta học được cách thực hành việc từ bỏ chính mình, hay nói cách khác, là khước từ khuynh hướng của bản chất để tuân theo sự hướng dẫn của ân sủng thánh thiêng. Chúng ta phải biết rằng điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không đấu tranh quyết liệt và bền bỉ.

Giờ đây, hãy về với thực tại, chúng ta hãy tự hỏi rằng làm thế nào để từ bỏ chính mình? Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta từ bỏ chính mình trong những điều phù hợp với lề luật. Như ta có thể thấy, điều này còn vượt cao hơn với việc chỉ từ bỏ tội lỗi. Từ bỏ chính mình là từ bỏ những điều vẫn còn tốt đẹp và chính đáng. Chúng ta hãy xem xét ba ví dụ được Đức Hồng Y Niuman đưa ra: ví dụ thứ nhất liên quan đến sự tiết độ, ví dụ thứ hai liên quan đến sự mê thích những lời ca ngợi, và ví dụ còn lại nói về đến tương quan giữa bản thân ta và những người xung quanh.

“Kitô hữu từ bỏ chính mình trong những điều phù hợp với lề luật vì người đó nhận thức được sự yếu đuối và trách nhiệm của bản thân đối với tội lỗi. Tín hữu này không dám bước đi trên bờ vực của một vách đá, thay vì đi đến điểm giới hạn của những điều được phép làm, người ấy đã tự giữ một khoảng cách với sự ác, để bản thân được an toàn. Tín hữu này cố gắng kìm nén sự tức giận, xa lánh sự ham mê ăn uống, và chống lại việc chè chén say sưa.”

“Sự mê thích những lời ca ngợi tự thân là một ham mê hồn nhiên, và cũng có thể là một ân huệ nào đó, có điều tại đây, quan điểm của thế gian có thể trở nên đúng và khiến chúng ta bị mê hoặc trong lời dụ ngọt của nó. Đúng vậy, tiếng vỗ tay hoan hô của thế gian sẽ sớm khiến chúng ta quên rằng chúng ta là những kẻ yếu đuối và tội lỗi tột cùng; vì vậy, chúng ta phải từ bỏ chính mình, và đón nhận lời khen từ những người tốt lành, và những người mà chúng ta quý mến, một cách thận trọng và chừng mực.”

“Ngay cả trong các mối quan hệ với người xung quanh, kể cả trong tình bằng hữu, chúng ta cũng phải đề phòng chính bản thân mình, kẻo nó sẽ kéo chúng ta rời xa con đường thi hành sứ vụ đã được ủy thác cho ta. Nhiều người bố vì muốn chu cấp đầy đủ hơn cho gia đình, mà lại bỏ bê linh hồn mình. Và điều này là tội lỗi; không phải chúng ta có tội vì yêu thương những người xung quanh quá sâu đậm, mà vì tình cảm mạnh mẽ và đáng ngưỡng mộ đó lại vô tình trở thành thứ che đậy và phá hủy bản chất vốn yếu đuối của chúng ta.”

Anh chị em có thể thấy, việc từ bỏ chính mình có thể ngăn cản chúng ta sai lạc theo khuynh hướng của bản chất tự nhiên, và nhờ đó, giúp chúng ta mở lòng ra đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Sau đó, việc này sẽ hỗ trợ ta đón nhận thập giá và bước theo Chúa Giêsu Kitô. Mặt khác, một người không bao giờ nỗ lực sẽ không bao giờ nhận lấy thập giá khi được trao ban, và họ sẽ tìm kiếm sự ủi an trong thế gian chóng hư mất này để cố gắng quên đi thập giá. Thánh Gioan Henry Niuman gọi những người như thế là những Kitô hữu trên danh nghĩa, vì sự đối nghịch của họ đối với một người môn đệ đích thực của Đức Kitô.

Anh chị em thân mến, hy vọng Mùa Chay này là dịp thuận tiện để anh chị em đừng chỉ là một tín hữu Công Giáo trên danh nghĩa với hành vi và cách ứng xử không khác gì những người ngoại giáo. Người mang lấy ấn tín của Thiên Chúa, ấn tín của Bí tích Rửa Tội trong linh hồn, nhưng lại không thuộc về Chúa Kitô, mà thuộc về thế gian. Chúng ta phải trở nên môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, tức là một tín hữu Công Giáo, không chỉ trên danh nghĩa, nhưng phải biểu lộ ra từ chính tâm hồn và luôn ở trong sự thật.  Hỡi những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian này. Quả thật, thế gian phải là kẻ thù của chúng ta, vì thế gian nghịch cùng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Và nếu được nên thánh thiện như vậy, chúng ta sẽ không còn sợ hãi khi nghe: Hỡi phường bị chúc dữ, hãy xéo đi xa Ta, mà vào lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỉ cùng chư thần của nó. (Mt 25,41)

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria phù hộ, bổ sức, khích lệ, động viên, và an ủi chúng ta. Xin Bà giúp chúng ta biết mở lòng đón nhận ân sủng của Con Chí Thánh của Bà, hầu chúng ta sẵn lòng đón nhận thập giá và cùng vinh hiển với Người!

Linh mục Laurent Demets, F.S.S.P