MÙA 70 TRONG PHỤNG VỤ

Trong lịch phụng vụ truyền thống, ba ngày Chúa Nhật trước Thứ Tư Lễ Tro được gọi là Septuagesima (Chúa Nhật 70), Sexagesima (Chúa Nhật 60) và Quinquagesima (Chúa Nhật 50). Nhiều tín hữu Công Giáo đều biết rằng khoảng thời gian này được dành cho việc chuẩn bị tâm hồn để bước vào Mùa Chay thánh, nhưng thường chỉ biết có thế mà thôi. Vậy, mục đích của khoảng thời gian trước Mùa Chay thánh – tức Mùa 70 – nghĩa là gì?

Leaves from Choir Books | ILLUMINATED

Chúng ta có thể tìm hiểu về sự quan trọng của mùa phụng vụ nhờ những điều được cung cấp bởi Giáo Hội. Giờ kinh đầu tiên của Kinh Nhật Tụng mỗi ngày được gọi là Matutinum – Kinh Đêm. Hàng ngày, trong giờ kinh này, Mẹ Giáo Hội gửi đến chúng ta những bài đọc từ Thánh Kinh. Kể từ tuần Bát nhật Giáng Sinh, các bài đọc đã được trích từ những thư của thánh Phaolô. Tuy nhiên, vào Chúa Nhật 70, bài đọc đầu tiên của giờ Kinh Đêm được bắt đầu với câu: “In principio creavit Deus caelum et terram” – “Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời và đất” (Sáng Thế 1, 1), đây là những từ đầu tiên của sách đầu tiên trong Thánh Kinh – sách Sáng Thế. Một sự khởi đầu mới! Giáo Hội không nhìn lùi về lễ Hiển Linh nữa, mà đưa mắt hướng về phía trước – cuối cùng là hướng về lễ Phục Sinh – ngày lễ lớn nhất trong năm phụng vụ. Chúa Nhật 70 đánh dấu sự khởi đầu cho việc chuẩn bị cho lễ Phục Sinh.

Các dấu hiệu được thể hiện trong phụng vụ, phẩm phục đã được chuyển từ màu xanh lục sang màu tím sám hối, và bản văn biểu rõ sự sám hối của giờ Laudes – Kinh Sáng – vào Chúa Nhật và những ngày trong tuần. Hơn nữa, từ “Allelúia” biến mất không những trong Thánh Lễ mà còn trong tám giờ của Kinh Nhật Tụng. Một thông điệp rõ ràng, không thể nhầm lẫn đã được gửi đi, một sự thay đổi sâu sắc đã diễn ra: “Tỉnh thức và chú ý!” Vậy, Mùa 70 là gì, và tại sao lại có những thay đổi ấy?

Trước hết, từ “Septuagesima” được dùng để chỉ số bảy mươi. Chúa Nhật 70 là khoảng bảy mươi ngày trước tuần lễ lớn lao của năm phụng vụ, Chúa Nhật Phục Sinh. Hai Chúa Nhật tiếp theo, Chúa Nhật 60 và Chúa Nhật 50, ám chỉ ngày thứ sáu mươi và năm mươi. Chúng ta cần lưu ý rằng chúng ta không tính cách chuẩn xác về mặt toán học, việc đánh số không chuẩn xác về mặt toán học nhưng mang tính biểu tượng!

Khoảng thời gian bảy mươi ngày gợi nhớ cho chúng ta về bảy mươi năm mà dân Do Thái bị lưu đày ở Babylon. Trong Cựu Ước, dân tộc được Chúa chọn đã liên tiếp phạm tội chống lại Người, và cuối cùng, như một hình phạt dành cho tội lỗi của họ, Thiên Chúa đã cho phép quân Babylon chiếm thành Jêrusalem và bắt dân Do Thái đi lưu đày ở Babylon. Tại đó, họ đã than khóc vì phải rời xa miền Đất Hứa. Thánh Vịnh 137 đã nói lên sự đau buồn của dân tộc này: “Super flumina Babylonis ibi sedimus et flevimus cum recordaremur Sion” – “Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi đó, chúng tôi khóc, mà tưởng niềm Sion.” (Thánh Vịnh 137, 1) Những kẻ tù đày đã từ chối sự ủi an: “Quomodo cantabimus canticum Domini in terra aliena?” – “Mà làm sao chúng tôi hát được ca vãn Đức Chúa nơi đất khách quê người?” (Thánh Vịnh 137, 4) Dân chúng đã có bảy mươi năm để than khóc, ăn chay, cầu nguyện, và ăn năn vì tội lỗi của họ.

Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân Người trong thời gian ấy. Người phán cùng Ngôn sứ Jêrêmia: “Quia haec dicit Dominus: Cum coeperint impleri in Babylone septuaginta anni, visitabo vos, et suscitabo super vos verbum meum bonum, ut reducam vos ad locum istum. Ego enim scio cogitationes quas ego cogito super vos, ait Dominus, cogitationes pacis et non afflictionis, ut dem vobis finem et patientiam. Et invocabitis me, et ibitis: et orabitis me, et ego exaudiam vos. Quaeretis me, et invenietis, cum quaesieritis me in toto corde vestro. Et inveniar a vobis, ait Dominus: et reducam captivitatem vestram, et congregabo vos de universis gentibus et de cunctis locis ad quae expuli vos, dicit Dominus, et reverti vos faciam de loco ad quem transmigrare vos feci.” – “Vì Đức Chúa phán thế này: Vận bảy mươi năm có mãn cho Babylon, Ta mới viếng thăm các ngươi mà giữ ứng nghiệm lời tốt lành của Ta với các ngươi để đem các ngươi về lại chốn này. Vì chính Ta, Ta biết các mưu định. Ta đã quyết về các ngươi – sấm của Đức Chúa – những mưu định phúc thái chứ không phải họa tai, để ban cho các ngươi được tương lai và hy vọng. Các ngươi sẽ kêu lên Ta, các ngươi sẽ khấn nguyện với Ta, và Ta sẽ nhậm lời các ngươi. Các ngươi sẽ tìm kiếm Ta và sẽ gặp, vì các ngươi sẽ dõi tìm Ta hết lòng các ngươi. Ta sẽ để cho các ngươi gặp Ta – sấm của Đức Chúa – Ta sẽ đổi vận các ngươi, và sẽ thâu họp các ngươi từ khắp muôn dân, từ những nơi Ta đã xua các ngươi đến – sấm của Đức Chúa – và sẽ đem các ngươi về lại chốn Ta đã bắt các ngươi phải bỏ mà chịu lưu đày.” (Jêrêmia 29, 10–14)

Vì vậy, tâm tình của chúng ta trong khoảng thời gian bảy mươi ngày này trước lễ Phục Sinh là tâm tình của những kẻ bị lưu đày – chúng ta rời xa Đất Hứa, chính là Jêrusalem trên trời. Nếu chúng ta cầu nguyện và sám hối theo như dấu hiệu của sắc tím trong phụng vụ – chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng mưu định của Thiên Chúa đối với chúng ta không phải là đau khổ nhưng là sự bình an; nếu chúng ta hết lòng tìm kiếm Người, Người sẽ dẫn đưa chúng ta vào Jêrusalem trên trời. Vì chúng ta đang sống lưu đày theo nghĩa bóng trong thời gian này, chúng ta cũng nên khao khát Đất Hứa, và cầu xin với những người Do Thái theo lời của Thánh Vịnh 137: “Quomodo cantabimus canticum Domini in terra aliena?” – “Mà làm sao chúng tôi hát được ca vãn Đức Chúa nơi đất khách quê người?” (Thánh Vịnh 137, 4)

Vì vậy, từ Chúa Nhật 70 cho đến lễ Phục sinh, chúng ta không hát “ca vãn Đức Chúa” – “Allelúia”. Giờ Vesperae – Kinh Chiều  của Thứ Bảy trước Chúa Nhật 70 kết thúc bằng Allelúia kép, và do đó, từ này sẽ không được nói hoặc hát trong phụng vụ của giai đoạn bảy mươi ngày. Trong thời gian đó, từ “Allelúia” thường được gọi khi cần nhắc đến là “Một Từ”.

Alleluia – Manuscript Art

“Allelúia” theo nghĩa đen là “ngợi khen Đức Chúa” (YHWH). Thường đọc ở đầu mỗi giờ của Kinh Nhật Tụng trong ngày, và trước Phúc Âm trong Thánh Lễ như một tiền báo cho Thiên Chúa. Chúng ta đọc trong sách Tôbia một mô tả vắn tắt về Jêrusalem trên trời. Thiên Đàng được miêu tả trong Thánh Kinh: “et per vicos eius Allelúia cantabitur” – “và trên các nẻo đường của nó, Allelúia sẽ được hát” (Tôbia 13, 22) Trong thị kiến của thánh Gioan về Thiên Đàng được viết trong sách Khải Huyền: “Post haec audivi quasi vocem turbarum multarum in caelo dicentium: Allelúia: salus, et gloria, et virtus Deo nostro est: quia vera et justa judicia sunt ejus, qui judicavit de meretrice magna, quae corrupit terram in prostitutione sua, et vindicavit sanguinem servorum suorum de manibus ejus. Et iterum dixerunt: Allelúia. Et fumus ejus ascendit in saecula saeculorum. Et ceciderunt seniores viginti quatuor, et quatuor animalia, et adoraverunt Deum sedentem super thronum, dicentes: Amen: Allelúia. Et vox de throno exivit, dicens: Laudem dicite Deo nostro omnes servi ejus: et qui timetis eum pusilli et magni. Et audivi quasi vocem turbae magnae, et sicut vocem aquarum multarum, et sicut vocem tonitruorum magnorum, dicentium: Allelúia: quoniam regnavit Dominus Deus noster omnipotens.” – “Sau đó, tôi đã nghe có tiếng lớn của một đoàn người đông đảo ở trên trời tung hô: Allelúia! Vạn thắng, vinh quang và quyền phép thuộc về Thiên Chúa chúng ta! Vì thật công minh, các án xử của Người! Vì Người đã xử tội con điếm bự, đứa đã làm thối nát cõi đất bởi trò dâm dật của nó, và Người đã báo oán cho máu các tôi tớ của Người, tay nó đã đổ ra. Lại một lần nữa, họ cất tiếng: Allelúia! Và khói lửa thiêu nó cứ bốc lên đời đời kiếp kiếp! Và hai mươi bốn lão công và bốn sinh vật phục mình thờ lạy Thiên Chúa, Ðấng ngự trên ngai, mà rằng: Amen, Allelúia! Và có tiếng xuất tự ngai, rằng: Hãy ngợi khen Thiên Chúa chúng ta, hết thảy các tôi tớ của Người, những ai kính sợ Người, kẻ bé và người lớn. Và tôi đã nghe như có tiếng đoàn người đông đảo và như tiếng bàng đà thác lũ, và như tiếng sấm mạnh, rằng: Allelúia! Vì Người đã làm vua, Chúa, Thiên Chúa toàn năng.” (Khải Huyền 19, 1–6)

“Allelúia”, như lời ca tụng Thiên Chúa, là bài hát của Thiên đàng, bài hát của các Thiên Thần và của thánh, và không thích hợp cho những kẻ tội lỗi đang chịu sự lưu đày. Vì vậy, trong bảy mươi ngày sau Chúa Nhật 70, “Allelúia” biến mất hoàn toàn hoặc được thay thế bằng: “Laus Tibi Domine, Rex Aeterne Gloriae” – “Lạy Chúa, ngợi khen Người, Đấng là Vua Vinh Hiển Đời Đời”. Đây là một lời cầu nguyện rất đẹp, nhưng được soạn tại trần gian này chứ không phải trên trời; không phải là “ca vãn Đức Chúa” được hát bởi ca đoàn các Thiên Thần và đoàn người mặc áo trắng của Giáo Hội Vinh Thắng.

Bảy mươi ngày lưu đày trong phụng vụ của chúng ta kết thúc vào lễ Vọng Phục Sinh, lễ trọng của các lễ trọng. Trong đêm thánh này, với phụng vụ truyền thống, chúng ta được lắng nghe mười hai bài tiên tri thuật lại lịch sử tạo dựng và công cuộc cứu chuộc trong nhiều thiên niên kỷ. Sau đó, chúng ta, quỳ xuống khi hát Kinh Cầu Các Thánh, khẩn xin lời cầu bầu của các ngài và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta lặp lại những lời hứa trong Bí tích Rửa Tội, khước từ tội lỗi và ma quỷ, đồng thời xác tín niềm tin và sự kết hiệp của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô. Sau Kyrie – Kinh Thương Xót, đèn thắp sáng, và các quả chuông của thánh đường vang lên giòn giã khi vị Linh mục xướng: Gloria in excelsis Deo – Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Cuối cùng, sau bài Thánh Thư, đứng trước bàn thờ, trong một khoảnh khắc mong đợi, vị Linh mục với giọng trang trọng và lộ rõ sự vinh thắng mà xướng lớn ba lần “Allelúia”, mỗi lần cao giọng hơn. Chúa Kitô đã sống lại! Qua Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Người, Người đã mở cánh cổng Thiên Đàng cho chúng ta. Chúng ta ca ngợi sự phục sinh của Người và sự mở ra của cánh cổng Thiên Đàng qua việc hát “ca vãn Đức Chúa” trong Sion mới, Thánh Giáo Hội của Người.

Seven Pilgrim Churches of Rome - Wikipedia

Để hiểu kỹ hơn hầu tham dự hiệu quả vào Mùa 70 và Mùa Chay, chúng ta cần hiểu về các “nhà thờ statio”. Hầu hết, những cuốn sách lễ giáo dân đều liệt kê các “nhà thờ statio” ở đầu Thánh Lễ. Khi việc thực hành đức tin trở nên hợp pháp (vào năm 313 SCN), và các nhà thờ được thánh hiến công khai trên toàn thành phố, Đức Giáo Hoàng sẽ đi cùng các giáo sĩ và tín hữu đến một nhà thờ cụ thể để cử hành Thánh Lễ trong ngày. Nhiều năm trôi qua, danh sách các “nhà thờ statio” đã được củng cố, và những lời nguyện của bản văn phụng vụ trong Thánh Lễ thậm chí còn đề cập tới vị thánh bổn mạng của nhà thờ. Với lòng đạo đức bình dân, việc tham dự “Thánh Lễ statio” cũng là tôn kính vị thánh mà nhà thờ đó được đặt tên theo ngài, và đặt bản thân vào sự hiện diện đặc biệt của ngài.

Chúng ta thấy rằng các “nhà thờ statio” của những Chúa Nhật 70, 60 và 50 là Vương Cung Thánh Đường thánh Laurenxô, thánh Phaolô, và thánh Phêrô (“nhà thờ statio” của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay là Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Latêranô, Nhà Thờ Chánh Tòa của Rôma). Trong số bảy Vương Cung Thánh Đường của Rôma thời bấy giờ, ba “nhà thờ statio” của Mùa 70 nằm bên ngoài những bức tường thành cổ xưa – Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô cũng nằm bên ngoài những bức tường ấy, được xây dựng trên phần đất nơi thi hài của thánh Phêrô được chôn cất. Vì vậy, để chuẩn bị cho Mùa Chay, Rôma đã được bao phủ và reo vang bởi những lời cầu nguyện vào các Chúa Nhật này. Các “nhà thờ statio” bao quanh Rôma, tượng trưng việc chúng ta đang bao quanh Giáo Hội trên mặt đất bằng những lời cầu nguyện của chúng ta khi dọn tâm hồn để chuẩn bị cho Mùa Chay thánh.

Cha Pius Parsch, trong tác phẩm Năm Ân Sủng của ngài, cho thấy ba vị thánh, theo thứ tự, thánh Laurenxô, thánh Phaolô, và thánh Phêrô, tương ứng với các nhân vật trong các bài đọc của giờ Kinh Đêm hôm nay: Ađam, Nôê, và Abraham; cũng như sự tương thích với các bài đọc và lời nguyện trong những Chúa Nhật tiếp theo. Chẳng hạn, vào Chúa Nhật 70 và những ngày tiếp theo, chúng ta đọc về Ađam, người được giao nhiệm vụ coi sóc và giữ gìn Vườn Địa Đàng, người đã sa ngã mà phạm tội, và bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng, cùng nhận hình phạt nặng nhọc, đau khổ, nhất là cái chết vì cho tội lỗi của bản thân. Tương ứng với Ađam là hình ảnh của thánh Laurenxô, vị thánh tử đạo vĩ đại, người lao động tuyệt vời và đã chịu đau khổ khi chết trên tấm nướng –nhưng cái chết của ngài là chiến thắng. Ca Nhập Lễ của Chúa Nhật 70 gợi lên nỗi buồn của cái chết: “Circumdedérunt me gémitus mortis, dolóres inférni circumdedérunt me: et in tribulatióne mea invocávi Dóminum, et exaudívit de templo sancto suo vocem meam.” – “Thần Chết rên rỉ quanh con, khổ hình hỏa ngục đe dọa con. Trong bước cùng cực, con kêu van Chúa, và từ Đền Thánh, Chúa nghe tiếng con.” Nỗi buồn về cái chết và về Hỏa Ngục là hậu quả của tội lỗi, và chúng được tái hiện một cách sống động bởi sự đau khổ của lòng kiên trung rực lửa của thánh Laurenxô. Chúng cũng gợi nhớ cho chúng ta về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô, và sự thật rằng chúng ta cũng phải chịu đau khổ. Chúng ta được mời gọi tránh xa tội lỗi của Ađam, và noi gương thánh Laurenxô mà dâng những đau khổ của chúng ta cho Chúa Kitô.

Bài Đọc của Chúa Nhật 70 trích từ thư của thánh Phaolô khi ngài dạy về đời sống thiêng liêng như một cuộc đua, một trận chiến – chúng ta được mời gọi tham gia trận chiến bằng những hy sinh trong Mùa Chay thánh. Chủ đề về sự kêu gọi được nhấn mạnh hơn nữa trong Phúc Âm, qua hình ảnh người chủ đi tìm, và kêu gọi những kẻ làm công tới canh tác trên đồng ruộng của ông. Chúng ta được kêu gọi không phải để đứng yên và nhàn rỗi, nhưng để lao động cho Thiên Chúa và trung thành với Người – trái với sự bất trung của Ađam, kẻ lao động tiên khởi.

Và đây có lẽ cũng là thông điệp lớn nhất của ngày đầu tiên trong chuỗi bảy mươi ngày chuẩn bị cho lễ Phục Sinh: chúng ta đang đau khổ vì tội lỗi, chúng ta có một trận chiến và nhiều khó nhọc phía trước. Đừng đứng yên, nhưng hãy để tâm chú ý đến tiếng gọi của Chúa – hãy thực hiện lại từ điểm khởi đầu.

This image has an empty alt attribute; its file name is 7A426B13-FD0F-4042-96AD-3098E3C338AC_1_201_a.jpeg

Chúa Nhật 60, và Chúa Nhật 50 tiếp tục gửi đến thông điệp này với hình ảnh Nôê – thánh Phaolô, và Ápraham – thánh Phêrô. Sứ mệnh được trao cho chúng ta trong ba tuần bắt đầu bằng lời kêu gọi lao động, và không được lười biếng, đón nhận và truyền rao Lời Chúa, tin cậy nơi Người và hy sinh vì Người, vì tình yêu và đức ái. Khi Mùa 70 kết thúc, Mùa Chay bắt đầu với những lời trong Phúc Âm từ Chúa Nhật 50 văng vẳng bên tai chúng ta: “Ecce, ascéndimus Ierosólymam, et consummabúntur ómnia, quae scripta sunt per Prophétas de Fílio hominis.” – “Chúng ta lên Jêrusalem, và những điều các tiên tri đã nói về Con Người sẽ được hoàn thành.” (Luca 18, 31)

Bài viết được dịch từ Memento tháng 2 năm 2022 của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô: https://fssp.com/memento-online/