BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Kinh Tổng Nguyện hôm nay vô cùng đặc biệt. Cha đã giảng nhiều lần về sự quan trọng của Kinh Tổng Nguyện trong ngày, và cha hy vọng anh chị em vẫn còn nhớ. Nếu như anh chị em đã quên, cha sẽ một lần nữa nhắc nhớ lại!

Kinh Tổng Nguyện thực chính là lời cầu nguyện chính thức của Hội Thánh vào một ngày nhất định. Và vì là một lời cầu nguyện trong phụng vụ, nên cũng là lời cầu nguyện của trọn vẹn Nhiệm Thể, với Đức Giêsu Kitô là đầu, và những tín hữu của Người là các chi thể. Một lời cầu nguyện vô cùng mạnh mẽ và đem lại nhiều ơn ích, mà hết thảy ai trong chúng ta cũng đều nên hiệp nhất với Giáo Hội qua lời cầu nguyện này. Quả thế, khi trở thành một phần dù rất nhỏ trong Nhiệm Thể, lời cầu nguyện trên cũng là của chính chúng ta.

Cha xin được hỏi anh chị em rằng, hãy tự âm thầm trả lời, đã bao giờ anh chị em mở cuốn Sách Lễ dành cho giáo dân ra để đọc, hay xem bản văn phụng vụ trong ngày trên các phương tiện kỹ thuật số để biến Kinh Tổng Nguyện trở thành lời cầu nguyện của chính bản thân chưa? Nếu như chưa, anh chị em ắt đang thiếu sót ít là một vài điều!

Bên cạnh việc là một lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội,  Kinh Tổng Nguyện cũng là bản tóm tắt về Thần học Công Giáo bởi đã trình bày cách ngắn gọn và hoàn toàn chuẩn xác về Giáo Lý Công Giáo, dù có thể không đề cập đến toàn bộ những điều trong Giáo Lý.

Hôm nay, Kinh Tổng Nguyện nhắc nhở rằng chúng ta cần đến sự cứu giúp của Thiên Chúa, và cầu nguyện để xin Người đến với chúng ta. Nhờ sự lặp đi lặp lại cách thường xuyên của những lời cầu nguyện như thế, chúng ta nhận thức được chúng ta thực sự cần đến Người. Nhưng dường như, tội lỗi của chúng ta đã trì hoãn việc ngự đến của Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Thật vật, tội lỗi khiến chúng ta trở nên bất xứng với Thiên Chúa và đánh mất đi ân sủng của Người, hay ít là những tội mà chúng ta đã không biết sám hối ăn năn. Nhưng chúng ta cũng biết Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến với những tội nhân. Bởi thế, trong Kinh Tổng Nguyện, chúng ta kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa hầu có thể lãnh nhận được những điều vốn bị cản trở vì tội lỗi. Hơn nữa, chúng ta nhận thức rõ được rằng sự cứu rỗi của chúng ta hoàn toàn đến từ lòng thương xót của Thiên Chúa, vì nào ai trong chúng ta xứng đáng với ân sủng vô cùng lớn lao ấy. Chúng ta không những chẳng có quyền để yêu cầu hay đòi hỏi Thiên Chúa mà còn phải có bổn phận đối với Người. Thiên Chúa là Cha nhân từ nên việc khấn nguyện cùng lòng thương xót của Người là điều chính đáng và sinh ích cho phần rỗi chúng ta.

Nguyện xin lòng thương xót của Thiên Chúa giúp chúng ta được biến đổi và trở nên khiêm nhường hơn. Và chúng ta hãy tin rằng Người sẽ lắng nghe chúng ta như Ca Tâm Niệm được lấy từ Thánh Vịnh 144: Chúa gần những ai kêu van Chúa, những ai thành tâm kêu van Chúa. 

Đó là một vài suy tư giúp chúng ta được bình an, được an ủi. Chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa không ít lần, ắt chúng ta phải sám hối ăn năn và đền bù tội lỗi; nhưng chúng ta không nên bị dày vò bởi những tội lỗi ấy mà phải biết khiêm nhường và dứt khoát quay trở về với Người để tìm được bình an trong tâm hồn.

Bình an là món quà lớn nhất mà chúng ta được nhận vào ngày lễ Giáng Sinh: Et in terra pax hominibus! – Và bình an cho người ngay lành trên khắp cùng bờ cõi trái đất! Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chuẩn bị tâm thế thích hợp để có thể lãnh nhận sự bình an của Thiên Chúa trong ngày lễ Giáng Sinh trọng thể đang đến rất gần!

Linh mục Laurent Demets, F.S.S.P

Bản văn phụng vụ của Chúa Nhật IV Mùa Vọng: https://fsspvietnam.org/2021/12/17/bai-doc-chua-nhat-iv-mua-vong/