TỰ SẮC TRADITIONIS CUSTODES

VỀ VIỆC CỬ HÀNH PHỤNG VỤ RÔMA TRƯỚC CUỘC CẢI CÁCH VÀO NĂM 1970

Những người bảo vệ truyền thống, các Giám mục trong sự hiệp thông với Đức Giám mục Rôma, tạo nên nguyên lý hữu hình và nền tảng cho sự hiệp nhất của những Giáo Hội địa phương. [1] Dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, qua việc loan báo Phúc Âm và qua việc cử hành Thánh Lễ, các ngài cai quản những Giáo Hội địa phương được giao phó cho các ngài. [2]

Để thúc đẩy sự tương hợp và sự hiệp nhất của Giáo Hội, với lòng quan tâm của một người cha đối với tất cả những tín hữu ở bất kỳ khu vực nào tuân theo những cử hành phụng vụ trước cuộc cải cách của Công Đồng Vaticanô II, những Vị Tiền Nhiệm Đáng Kính của tôi, Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, đã chấp thuận và điều chỉnh khả năng sử dụng Sách Lễ Rôma do Thánh Gioan XXIII ban hành năm 1962. [3] Qua hành động trên, các ngài có ý định “tạo điều kiện cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội đối với những tín hữu Công Giáo cảm thấy gắn bó với những cử hành phụng vụ cổ kính” chứ không phải cho những người khác. [4]

Theo sáng kiến của Vị Tiền Nhiệm Đáng Kính của tôi là Đức Bênêđíctô XVI mời gọi các Giám mục đánh giá việc áp dụng Tự Sắc “Summorum Pontificum” trong ba năm sau khi được ban hành, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tiến hành tham vấn cách chi tiết các Giám mục vào năm 2020. Những kết quả đã được xem xét cẩn thận dưới sự soi dẫn của kinh nghiệm đã trở nên dày dặn trong những năm qua.

Giờ đây, sau khi đã cân nhắc những nguyện vọng của các Giám mục và đã lắng nghe ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin, với Tông Thư này, tôi luôn mong muốn không ngừng trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Do đó, tôi đã cân nhắc việc ban hành những điều sau đây là phù hợp:

Điều 1. Những sách phụng vụ do Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II ban hành, phù hợp với các sắc lệnh của Công Đồng Vaticanô II, là cách diễn đạt duy nhất của “lex orandi” của Nghi Lễ Rôma.

Điều 2. Quyền thuộc về Giám mục của giáo phận, với tư cách là người hướng dẫn, loan truyền, và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ của Giáo Hội địa phương được giao phó cho ngài, [5] để điều chỉnh những cử hành phụng vụ trong giáo phận của ngài. [6] Do đó, ngài có thẩm quyền duy nhất để cho phép sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962 trong giáo phận của ngài, theo sự hướng dẫn của Tòa Thánh.

Điều 3. Giám mục của giáo phận mà cho đến nay có một hoặc nhiều nhóm cử hành theo Sách Lễ trước cải cách năm 1970:

§1. là xác định rằng các nhóm này không phủ nhận tính thành sự và hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ, do Công Đồng Vaticanô II và Huấn Quyền của các Đức Giáo Hoàng;

§2. là chỉ định một hoặc nhiều địa điểm nơi các tín hữu của các nhóm này có thể quy tụ để cử hành Thánh Lễ (tuy nhiên, không phải ở các nhà thờ của các giáo xứ, và không thiết lập các giáo xứ tòng nhân mới);

§3. thiết lập tại các địa điểm được chỉ định những ngày được phép cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma do Thánh Gioan XXIII ban hành năm 1962. [7] Trong những buổi cử hành này, các bài đọc được phép công bố bằng ngôn ngữ địa phương, sử dụng các bản dịch Thánh Kinh được các Hội Đồng Giám Mục địa phương phê chuẩn để sử dụng trong phụng vụ;

§4. bổ nhiệm một Linh mục, với tư cách là vị đại diện của Giám mục, được giao phó cho những cử hành này và chăm sóc mục vụ những nhóm tín hữu này. Vị Linh mục này phải phù hợp với trách nhiệm này, có khả năng sử dụng Missale Romanum trước cuộc cải cách năm 1970, có kiến thức về tiếng Latinh đủ để hiểu thấu đáo quy chế và các bản văn phụng vụ, và được thúc đẩy bởi cách thức mục vụ sống động giàu đức ái và bởi ý thức hiệp nhất trong Giáo Hội. Vị Linh mục này cần phải có tấm lòng rộng mở không chỉ ở việc cử hành đúng phụng vụ, mà còn phải ở việc mục vụ và chăm sóc thiêng liêng cho các tín hữu;

§5. tiến hành cách thích hợp để xác minh rằng các giáo xứ được thành lập dựa trên lợi ích của các tín hữu phải có ích cho sự phát triển về mặt tâm linh, và xác định xem có nên giữ lại những giáo xứ đó hay không;

§6. lưu ý không cho phép thành lập các nhóm mới.

Điều 4. Linh mục được truyền chức sau khi Tự Sắc này được ban hành muốn cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma năm 1962, phải nộp đơn xin phép cách chính thức cho Giám mục giáo phận, và ngài sẽ hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi cấp phép.

Điều 5. Các Linh mục đã cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ Rôma năm 1962 nên xin phép Giám mục giáo phận để tiếp tục việc cử hành này.

Điều 6. Các Tu Hội Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, do Ủy Ban Giáo Hoàng “Ecclesia Dei” thành lập, sẽ trực thuộc của Bộ Đặc Trách Các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Đoàn Tông Đồ.

Điều 7. Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cũng như Bộ Đặc Trách Các Hội Dòng Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Đoàn Tông Đồ, đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền đặc biệt, sẽ thực thi thẩm quyền của Tòa Thánh đối với việc tuân thủ các quy định trên.

Điều 8. Các quy tắc, hướng dẫn, sự cho phép và thông lệ trước đây không phù hợp với các quy định của Tự Sắc này đều bị bãi bỏ.

Tất cả những gì tôi đã tuyên bố trong Tông Thư này dưới dạng Tự Sắc, tôi muốn tất cả các quy định của nó đều phải được tuân theo, bất kể điều gì khác trái ngược lại, ngay cả khi đáng được đề cập cụ thể, và tôi xác nhận rằng nó được ban hành bằng việc công bố trên nhật báo “L’Osservatore Romano”, có hiệu lực ngay lập tức, và sau đó, nó được xuất bản trong Chú Giải Chính Thức của Tòa Thánh, Acta Apostolicae Sedis.

Ban hành tại Rôma, cạnh đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 16 tháng 07 năm 2021, vào ngày lễ kính Đức Mẹ Cát Minh, Năm thứ chín triều đại Giáo Hoàng của tôi.

Phanxicô

(*)Lưu ý: Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô (fssp.org), Viện Chúa Kitô Vua Linh Mục Thượng Phẩm (institute-christ-king.org), Viện Chúa Chiên Lành (institutdubonpasteur.org), Huynh Đoàn Thánh Vinhsơn Ferrer (chemere.org), … vẫn được cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ của Thánh Gioan XXIII theo như Hiến Pháp được soạn thảo bởi các đấng sáng lập và đã được Tòa Thánh chấp thuận.

[1] Xem Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19641121_lumen-gentium_en.html), 21 tháng 11 năm 1964, mục 23: AAS 57 (1965) 27.

[2] Xem Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19641121_lumen-gentium_en.html), 21 tháng 11 năm 1964, mục 27: AAS 57 (1965) 32; Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh về nhiệm vụ mục tử của các giám mục trong Giáo Hội “Christus Dominus” (https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decree_19651028_christus-dominus_en.html), 28 tháng 10 năm 1965, mục 11: AAS 58 (1966) 677-678; Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (https://www.vatican.va/archive/ENG0015/_INDEX.HTM), số 833.

[3] Xem Gioan Phaolô II, Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Ecclesia Dei” (https://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_commissions/ecclsdei/documents/hf_jp-ii_motu-proprio_02071988_ecclesia-dei_en.html), 2 tháng 7 năm 1988: AAS 80 (1988) 1495-1498; Bênêđíctô XVI, Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Summorum Pontificum” (https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/motu_proprio/documents/hf_ben-xvi_motu-proprio_20070707_summorum-pontificum.html), 7 tháng 7 năm 2007: AAS 99 (2007) 777-781; Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Ecclesiae unitatem” (https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/apost_letters/documents/hf_ben-xvi_apl_20090702_ecclesiae-unitatem.html), 2 tháng 9 năm 2009: AAS 101 (2009) 710-711.

[4] Gioan Phaolô II, Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Ecclesia Dei” (https://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_commissions/ecclsdei/documents/hf_jp-ii_motu-proprio_02071988_ecclesia-dei_en.html), 2 tháng 7 năm 1988, mục 5: AAS 80 (1988) 1498.

[5] Xem Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế về phụng vụ thánh “Sacrosanctum Concilium” (https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_const_19631204_sacrosanctum-concilium_en.html), 4 tháng 12 năm 1963, số 41: AAS 56 (1964) 111; Sách Các Lễ nghi Giám mục, mục 9; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn Thị về một số điều phải tuân thủ hay phải xa lánh liên quan đến Phép Thánh Thể Chí Thánh “Redemptoris Sacramentum” (https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20040423_redemptionis-sacramentum_en.html), 25 tháng 3 năm 2004, các mục 19-25: AAS 96 (2004) 555-557.

[6] Xem Bộ Giáo Luật (https://www.vatican.va/archive/cod-iuris-canonici/cic_index_en.html), điều 375, §1; điều 392.

[7] Xem Bộ Giáo lý Đức Tin, Sắc Lệnh “Quo magis” (https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20200222_decreto-quo-magis_en.html) cho phép bảy bài Kinh Tiền Tụng Thánh Thể cho hình thức ngoại thường của Nghi lễ Rôma, 22 tháng 2 năm 2020, và Sắc Lệnh “Cum sanctissima” (https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20200222_decreto-cum-sanctissima_en.html) về việc cử hành phụng vụ tôn kính các Thánh trong hình thức ngoại thường của Nghi lễ Rôma, 22 tháng 2 năm 2020: L’Osservatore Romano, 26 tháng 3 năm 2020, tr. 6.