BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Mỗi năm, khi bắt đầu Mùa Vọng, cha luôn tràn ngập niềm vui, và cha hy vọng rằng tất cả anh chị em cũng có thể cảm nhận được niềm vui đó. Niềm vui của Giáo Hội khi mong chờ sự xuất hiện Đấng Lang Quân và cũng là Đấng Cứu Rỗi của toàn thể Hội Thánh.

Khi đã lâu không gặp người mình yêu mến, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ vui mừng khi nhận được tin rằng người ấy sẽ tới thăm chúng ta, và chúng ta ắt phải lên kế hoạch cho lần ghé thăm sắp tới đó: chúng ta sẽ chuẩn bị những gì cho chuyến thăm ấy, sẽ tiếp đãi những món nào, và nóng lòng chờ đợi khi đếm từng ngày trôi qua để mong lần hội ngộ ấy mau tới.

Hôm nay, Giáo Hội long trọng báo cho chúng ta biết tin Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Đấng mà chúng ta hằng yêu mến, sắp đến. Toàn bộ bản văn phụng vụ của Mùa Vọng, lời xướng đáp của giờ Kinh Đêm, những điệp ca của giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều, những bản văn trong Thánh Lễ, đều nhắc nhở chúng ta liên tục về sự xuất hiện gần kề của Chúa Giêsu Kitô.

Mùa Vọng là thời khắc để chúng ta sám hối, được thể hiện qua sắc tím của phẩm phục trong phụng vụ, sự vắng bóng của đại phong cầm, hay bàn thờ đã không xuất hiện những bông hoa, nhưng cũng là lúc để chúng ta chờ đợi trong sự vui mừng.

Sám hối và niềm vui! Thoạt nhìn, dường như khá mâu thuẫn, nhưng dưới ánh sáng của sách Khải Huyền, ta lại thấy vô cùng hợp lý. Chúng ta nên nhớ rằng “Con Người đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất” như Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm (Luca 19, 10). Sự Nhập Thể là câu trả lời của Thiên Chúa đối với tội nguyên tổ. Thực tế và hậu quả của tội nguyên tổ nên được chúng ta ghi nhớ, và ngày lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội sắp tới đây sẽ là dịp để chúng ta ôn lại. Tội nguyên tổ là tội tự nhiên, và có thể khó hiểu. Chúng ta đã biết tội cá nhân là tội mà ta tự mình phạm phải qua hành vi của bản thân và ta sẽ bị phán xét cùng lên án nếu không sám hối ăn năn; còn tội tự nhiên là tội gây ảnh hưởng đến phẩm giá, bản chất của con người; chỉ có Đức Bà mới thoát khỏi tội ấy nhờ đặc ân của Thiên Chúa. Tại sao và việc đó đã xảy đến thế nào? Đây là câu hỏi đã được các thần học gia tranh luận trong suốt nhiều thế kỷ, nhưng chúng ta hãy nói một cách đơn giản, đó là bởi Ađam là người đứng đầu của cả nhân loại, và do đó, Chúa Giêsu Kitô, người được gọi là Ađam Mới; và vì là người đứng đầu cả nhân loại, nên hành động của người ấy sẽ ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại.

Chúng ta thấy được kế hoạch của Thiên Chúa thật đáng khâm phục. Từ thuở ban sơ của nhân lọai, ngay cả trước khi có tội nguyên tổ, Ađam và Êvà là hình bóng của Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội. Êvà được tạo nên từ xương sườn của Ađam, như Giáo Hội được thiết lập từ vết thương của Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Phúc Âm hôm nay giúp chúng ta suy ngẫm về ngày tận thế. Nhưng chúng ta cũng có thể suy ngẫm về sự khởi đầu. Và từ đầu tới cuối, chúng ta có thể thấy Chúa Giêsu hiện diện như trung tâm của Lịch sử. Người thực sự là Alpha và Omega, là Khởi Nguyên và Cùng Tận, là Sự Bắt Đầu và Sự Kết Thúc như chúng ta đọc thấy trong sách Khải Huyền (Khải Huyền 22, 13). Chúng ta mong chờ sự xuất hiện trong vinh quang của Người vào ngày tận thế, và nhân loại rất nên chuẩn bị cho ngày ấy, vì dân Do Thái được cho rằng là một dân được chọn để chuẩn bị cho sự xuất hiện lần thứ nhất của Người. Nhưng Phúc Âm cho chúng ta biết rằng không phải như thế: “Người đến với những kẻ thuộc về mình, và những kẻ thuộc về Người đã không chào đón Người.” (Gioan 1, 11)

Trên thực tế, kể từ thời Ađam và Êvà, câu hỏi lớn cần quan tâm đối với mỗi người chúng ta là: Tôi có chuẩn bị để đón rước Chúa Giêsu hay không? Và chúng ta đừng cho rằng vì ta là một tín hữu Công Giáo luôn siêng năng thực hành đức tin, nên ta đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều ấy. Những người Pharisiêu cũng nghĩ như thế, và họ đã lầm.

Mùa Vọng này là cơ hội để chúng ta tự vấn lương tâm rằng: mối quan hệ giữa tôi với Thiên Chúa đang như thế nào. Nếu tôi nhìn nhận bản thân là tội nhân cần được cứu rỗi, thì tôi sẽ hân hoan tiếp rước Thiên Chúa qua việc sám hối để dọn mình. Bằng không, tôi đã đánh mất đi vẻ đẹp và ý nghĩa của Mùa Vọng, hay thậm chí có thể xem là đánh mất ý nghĩa của cuộc sống. Hàng năm, trong giai đoạn của Mùa Vọng, phụng vụ thức tỉnh chúng ta với lời của những ngôn sứ và những câu chữ của thánh Phaolô:

Hora est iam nos de somno súrgere, nunc enim própior est nostra salus, quam cum credídimus.Đã đến giờ chúng ta phải thức tỉnh, vì ơn cứu độ đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin đạo. (Rôma 13, 11)

Nguyện xin Đức Bà giúp chúng ta luôn tỉnh thức hầu chuẩn bị tâm hồn và tinh thần xứng hợp để tiếp rước Con Bà.

Linh mục Laurent Demets, F.S.S.P

Bản văn phụng vụ của Chúa Nhật I Mùa Vọng: https://fsspvietnam.org/2021/11/26/bai-doc-chua-nhat-i-mua-vong/