THƯ MỤC VỤ

Sài Gòn, ngày 11 tháng 08 năm 2021.

Anh chị em thân mến,

Thời gian trôi qua thật nhanh nhưng chúng ta phải kiên nhẫn hơn nữa vì việc giãn cách có thể tiếp tục cho đến tháng 9. Hãy kiên nhẫn! Trong suốt thời gian giãn cách, cha đã suy ngẫm nhiều về nhân đức kiên nhẫn, khi nghe những lời của Thiên Chúa chúng ta: In patientia vestra possidebitis animas vestrasChính bởi kiên nhẫn mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi. (Lc 21,19) Theo nhiều bản dịch khác nhau, đôi khi chúng ta thấy từ “chịu đựng” hoặc “kiên trì” thay vì “kiên nhẫn”, nhưng tất cả đều diễn đạt cùng một ý. Chúng ta phải chịu đựng những khó khăn của cuộc sống hiện tại, và dù có thế nào đi chăng nữa, chúng ta phải kiên trì làm điều tốt.

Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã nói những lời trên khi đề cập đến thời kì chịu bách hại, khi các Kitô hữu sẽ phải đối mặt với sự thù địch của thế gian và sự chết. Nhưng, như Người đã nói, đó sẽ là một cơ hội để các ngươi làm chứng cho Ta! (Lc 21, 13) Và đây là những gì đã xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử khi các môn đệ của Đức Kitô bị bắt bớ: họ đã làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô và cho sự thật của Phúc Âm. Vì thế, chúng ta nói rằng: “Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu.” Các vị tử đạo là những người cho chúng ta một tấm gương hoàn hảo về sự kiên nhẫn và kiên trì cho đến cùng khi chịu tra tấn và giết chết.

Nhưng không phải ai cũng được mời gọi để được chịu phúc tử đạo. Các dòng tu đầu tiên được thiết lập sau thời gian chịu bách hại vào đầu thế kỉ IV. Nhưng điều cốt lõi là nếu không thể tử đạo vì Đức Kitô nữa, thì vẫn có thể chết cho thế gian mỗi ngày. Thánh Phaolô đã tỏ bày điều trên cách rõ ràng trong thư gửi tín hữu Rôma, chương 6. Đời sống tu trì đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì từ ngày này qua ngày khác. Những ai đón nhận đời sống ấy thì từ bỏ thế gian, và những niềm vui của thế gian để bước theo Chúa Kitô. Vì thế, Giáo Hội luôn nhận định rằng đời sống tu trì là trạng thái hoàn hảo nhất của cuộc sống vì đây là một phương thức tuyệt vời để tuân theo những lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, thanh bần, và vâng phục.

Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được mời gọi để nên thánh, chứ không chỉ những người sống đời tu trì. Và như chúng ta được học qua các sách giáo lý, một phương thức thiết yếu để trở nên thánh thiện là kiên vững trong bậc sống của mình. Linh mục, tu sĩ, và giáo dân đã kết hôn hoặc còn độc thân phải trung thành với Đức Kitô trong bậc sống của mình. Vì thế, tất cả chúng ta đều cần sự kiên nhẫn và kiên trì. Cha nhớ lại khi cha bắt đầu hành trình thiêng liêng của mình lúc còn nhỏ, vị Linh mục linh hướng của cha thường bảo cha cầu nguyện qua ba kinh Kính Mừng mỗi buổi sáng và tối để có được sự kiên trì cho đến cùng. Vậy, là sáu kinh Kính Mừng mỗi ngày cho một ý nguyện rất đặc biệt: kiên trì cho đến chết!

Điều này thật khôn ngoan và giúp chúng ta luôn thận trọng! Chúng ta có thể trung thành hôm nay, nhưng ngày mai thì sao? Việc nghĩ rằng chúng ta sẽ luôn trung thành có thể hơi kiêu căng, nhưng cầu nguyện để luôn trung thành là đặt trọn niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Chúng ta nên luôn nhớ rằng chúng ta có thể thất bại, thế gian và ma quỷ sẽ luôn làm mọi thứ có thể để khiến chúng ta thất bại. Kiên nhẫn là chìa khóa để thành công!

Tôi đã kết hôn, và tôi gặp những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân với người bạn đời của mình? Tình cảm mà tôi dành cho chồng hay vợ tôi không còn như lúc xưa? Thế gian sẽ nói với anh chị em rằng: “Hãy ly hôn! Ngươi đang lãng phí thời gian của ngươi!” Thánh Thần sẽ nói với anh chị em rằng: “Hãy kiên nhẫn! Mọi vấn đề đều có giải pháp; một giải pháp mà con có thể không thấy được lúc này, nhưng Thiên Chúa dành giải pháp đó cho con.”

Tôi là một tu sĩ, và sau 20 năm sống đời tu trì, tôi không còn nhiệt thành như lúc tôi mới gia nhập cộng đoàn của tôi? Tôi thấy đời sống tu trì thật đơn điệu, ngày nào cũng làm đi làm lại những việc giống nhau? Ma quỷ sẽ nói với anh chị em rằng: “Hãy nhìn xem! Ngươi đã cho Thiên Chúa tận 20 năm. Bây giờ hãy dành thời gian cho bản thân. Không có gì sai cả.” Thánh Thần sẽ nói với anh chị em rằng: “Hãy kiên nhẫn! Chúa Giêsu muốn chia sẻ Thập Giá của Người với con. Con sẽ đón nhận chứ?”

Ai trong chúng ta chưa bao giờ bị cám dỗ để từ bỏ vào một ngày nào đó? Bị cám dỗ là chuyện hết sức bình thường. Mỗi bậc sống đều có Thập Giá và những thử thách riêng. Nhưng hãy luôn lắng nghe Chúa Giêsu Kitô: Chính bởi kiên nhẫn mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi. (Lc 21,19)

Bên cạnh đó, lúc chúng ta bị cám dỗ hay khi chúng ta lâm vào trạng thái sầu khổ, chúng ta không nên đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào. Thánh Ignatiô thành Lôyôla trong những quy tắc quý báu của ngài về sự biện phân các thần khí đã cảnh báo chúng ta. Cha mong rằng mọi Kitô hữu sẽ biết những quy tắc này và noi theo đó.

Chúng ta hãy xem quy tắc V: “Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng có được trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đấy. Vì chưng, cũng như trong khi được an ủi, phần nhiều là thần khí lành hướng dẫn khuyên nhủ ta thế nào, thì trong cơn sầu khổ, thần khí dữ cũng làm như vậy, mà theo lời khuyên của nó, ta chẳng thể gặp được con đường đưa tới đích.”

Nói cách khác: Hãy kiên nhẫn! Chúng ta cảm thấy buồn chán? Vâng, điều này thường xuyên xảy ra trong thời gian giãn cách khiến chúng ta phải ở yên trong nhà. Chúng ta không khát khao cầu nguyện hay siêng năng học tập? Chúng ta không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, trái tim chúng ta trở nên khô khan, nguội lạnh? Hãy tiếp tục cầu nguyện! Đừng thực hiện bất cứ thay đổi nào trong cuộc sống của chúng ta vào những lúc như thế, vì có thể những sự thay đổi đó sẽ khiến chúng ta hối tiếc sau này.

Và hãy nhớ rằng, đời sống thiêng liêng không phải để làm hài lòng bản thân của chúng ta hoặc để cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng đời sống thiêng liêng là những việc làm theo thánh ý của Thiên Chúa! Và đôi khi, Thiên Chúa không ban cho chúng ta sự an ủi nào cả. Như sách Gương Chúa Giêsu: “Chúng ta nên yêu Thiên Chúa của sự an ủi chứ không phải sự an ủi của Thiên Chúa! Khi Thiên Chúa cất đi những an ủi của Người, đó là để chúng ta được thanh tẩy.” Vì vậy, một lần nữa, hãy kiên nhẫn!

Anh chị em thân mến, như cha đã nói với anh chị em vào những ngày trước, thời gian thử thách này có thể sinh ích cho chúng ta nếu chúng ta chấp nhận nó như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và như cha đã nói với anh chị em ngay khi bắt đầu giãn cách, anh chị em có thể sống trong thời gian này như một khóa tĩnh tâm. Vâng, khóa tĩnh tâm này còn khá dài, nhưng nó sẽ kết thúc vào một ngày sắp tới. Chúng ta hãy kiên nhẫn, và chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ lại quy tụ dưới chân bàn thờ để tham dự Hy Tế Thánh Lễ, và chúng ta sẽ vui mừng trở lại khi cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa qua những cử hành phụng vụ truyền thống mang vẻ đẹp muôn thuở của chúng ta.

Cha đã hy vọng rằng việc giãn cách sẽ chấm dứt trước ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời, nhưng thật đáng tiếc. Vào ngày này, anh Tôma Huy sẽ tạm biệt chúng ta để đến Phần Lan, và thật đáng buồn là chúng ta sẽ không thể nói lời tạm biệt với anh. Vì vậy, cha muốn nhân lá thư này để cảm ơn những giúp đỡ của anh trong sứ vụ tông đồ của chúng ta. Kể từ khi cha đến Việt Nam, gần 2 năm trước cho đến nay, anh Tôma Huy đã luôn chăm chỉ làm việc để cùng Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô phát triển sứ vụ tông đồ tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, anh sẽ vào Đại Chủng Viện của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi của anh Tôma Huy, để anh có thể bước theo Chúa chúng ta với niềm vui và sự nhiệt tâm! “Mùa màng nhiều, thợ gặt ít!” (Mt 9,37) Ơn gọi Linh mục thật quý giá biết bao! Đây là điều mà thế giới và Giáo Hội cần hơn nữa: các Linh mục trung thành với giáo lý Công Giáo, dâng lên Thiên Chúa một phụng vụ tuyệt đẹp, mà luôn khát khao vì phần rỗi các linh hồn! Lễ thánh Gioan Maria Vianney, Chúa Nhật tuần trước, đã nhắc nhở chúng ta những gì một Linh mục nên là.

Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho ơn gọi và cho các Linh mục của chúng ta!

Cha hy vọng đây là bức thư cuối cùng cha viết trước khi kết thúc giãn cách. Nhưng nếu Thiên Chúa muốn, việc giãn cách sẽ tiếp tục lâu hơn, xin anh chị em luôn cầu nguyện cho cha được kiên trì cho đến cùng, cũng như cha luôn cầu nguyện cho anh chị em.

Và đừng quên: sáu kinh Kính Mừng mỗi ngày cho sự kiên trì cho đến cùng. Chính bởi kiên nhẫn mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi. (Lc 21,19)

Cha xin gửi đến anh chị em sự chúc lành và những lời cầu nguyện!

Linh mục Laurent Demets, F.S.S.P