NHỮNG PHƯƠNG THẾ PHẢI DÙNG

KHOẢN THỨ BA: NHỮNG PHƯƠNG THẾ PHẢI DÙNG.

Trong khoản thứ nhất, ta đã thấy chính lúc được tạo thành, tổ tông loài người đã được Chúa nhận làm con cái yêu dấu Người, song vì tội mình, đã mất sự sống siêu nhiên cho mình và cho con cháu. Nhưng Đức Chúa Giêsu đã giáng sinh để chuộc tội cho nhân loại, làm cho ta lại có thể làm con cái Chúa. 

Trong khoản thứ hai, ta đã học các bổn phận ta đối với Chúa là Cha ta, đối với anh em ta trong Chúa. 

Trong khoản thứ ba này, ta sẽ bàn về những phương thế Chúa đã ban cho ta được lĩnh cùng giữ sự sống siêu nhiên, làm tròn bổn phận ta đối với Người và anh em ta, những phương thế ấy là các phép Bí tích và lời cầu nguyện. 

CÁC PHÉP BÍ TÍCH 

Các phép Bí tích là những lễ nghi Chúa Giêsu đã lập để phú hay thêm sự sống siêu nhiên trong linh hồn ta, ban phát ơn lành cho ta, và biểu tỏ những hiệu quả mầu nhiệm ấy. Mỗi phép Bí tích ban ơn lành riêng nữa. 

Có bảy phép bí tích:
Phép Rửa Tội ban cho ta sự sống siêu nhiên.
Phép Thêm Sức bổ dưỡng sự sống ấy.
Phép Mình Thánh Chúa nuôi sự sống ấy.
Phép Giải Tội gầy sự sống ấy lại khi ta đã mất.
Phép Xức Dầu Thánh giúp cho ta chết lành.
Phép Truyền Chức Thánh thông quyền Linh mục.
Phép Hôn Phối ban các ơn cần cho hai vợ chồng. 

Phép Rửa Tội 

Lúc đã tạo thành loài người, Chúa ban cho tổ tông ta sự sống siêu nhiên cùng ban quyền truyền nó lại cho con cháu làm một với sự sống phần xác. Nhưng vì tội mình phạm, tổ tông ta đã mất quyền ấy, cho nên lúc sinh ra ai nấy không có ơn nghĩa cùng Chúa; sự thiếu đó gọi là tội tổ tông truyền. Muốn ban cho mỗi người chúng ta sự sống siêu nhiên mà cha mẹ không thể truyền lại được. Chúa đã lập một phép riêng gọi là phép Rửa Tội.

Phép Rửa Tội ở tại lễ nghi này là đổ nước lã lên đầu người chịu phép ấy và nói một trật: Ta rửa tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Lễ nghi đó phú ơn thánh sủng trong linh hồn, và tẩy xóa tội tổ tông truyền. Nếu người chịu phép là người lớn, thì phép Rửa Tội cũng rửa sạch các tội riêng người ấy đã phạm. 

Không kể ơn thánh sủng, phép Rửa Tội còn ban cho ta hai công hiệu nữa, một là ban cho linh hồn quyền lĩnh các ơn cần để sống một cách xứng đáng địa vị mới, hai là in vào linh hồn một dấu thiêng liêng không xóa được, tỏ ra linh hồn ấy trở nên con riêng Chúa, thuộc về dòng dõi Người vậy. 

Phép Rửa Tội cần thiết
Phép Rửa Tội cần thiết đến nỗi con trẻ nào chết trước khi chịu phép ấy, thì không sao lên Thiên Đàng được, đời đời phải ở nơi gọi là Âm Ngục, mà chỉ được hưởng hạnh phúc tự nhiên thôi.
Người lớn tuổi đã biết phép Rửa Tội và có thể chịu được, thế nào cũng phải chịu thật sự, thì mới được sự sống siêu nhiên, mới được lên Thiên Đàng. Ví bằng ai muốn chịu phép Rửa Tội (hay là sẵn lòng làm mọi sự Bề Trên truyền) và có lòng mến Chúa (Bề Trên), ăn năn tội cách trọn, thì cũng được lĩnh sự sống siêu nhiên; như thế gọi là chịu phép Rửa Tội bằng lòng muốn vậy. 

Hai cách làm phép Rửa Tội.
Có hai cách làm phép Rửa Tội: cách chính thức và cách đơn giản.
Cách đơn giản là đổ nước lã lên trán người chịu phép và nói một trật rằng: “Ta rửa tội cho con: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Các bệnh nhân sắp chết, các trẻ con không thể đến cùng Thầy Cả mới được chịu phép Rửa Tội theo cách này. Khi gặp ai gần chết đã tỏ ý muốn theo đạo mà chẳng có Linh mục, thì bất kỳ ai cũng rửa tội được, hơn nữa, cũng buộc phải rửa tội cho bệnh nhân theo cách đơn giản ấy.
Cách chính thức tại những lễ nghi có một mình Linh mục được phép làm, gồm có phép chính là đổ nước và các phép phụ như phép trừ quỷ, xức dầu … Kẻ chịu phép Rửa Tội phải nhận một tên thánh, nghĩa là lấy tên một vị thánh trên trời để cho vị thánh ấy bầu cử cho mình; cũng phải có một cha hay một mẹ đỡ đầu giúp mình giữ đạo nên. 

Phép Thêm Sức 

Cuộc đời một giáo hữu là một cuộc đời chiến đấu: phải thắng dẹp các chước cám dỗ, phải làm tròn bổn phận đối với Chúa, đối với người ta.
Vì thế mà Đức Chúa Giêsu đã lập một phép riêng để “thêm sức” cho người giáo hữu, làm cho người giáo hữu trở nên một chiến sĩ hăng hái, nhiệt thành.

Lễ nghi.
Phép Thêm Sức tại sự Đức Giám Mục xức dầu thánh theo hình thánh giá vào trán người giáo hữu và xin Đức Chúa Thánh Thần ban mọi ơn thiêng liêng xuống cho. Phép này ban cho người giáo hữu ơn soi sáng để biết bổn phận mình, ơn thần lực để làm trọn những bổn phận ấy, làm cho người ta trở nên một bổn đạo hoàn toàn, một nghĩa sĩ của Chúa. 

Phép Thánh Thể 

Phép Rửa Tội đã phủ sự sống siêu nhiên trong linh hồn ta; phép Thêm Sức đã bổ túc cho phép Rửa Tội; còn phép Mình Thánh ban cho ta của ăn thiêng liêng để nuôi sự sống siêu nhiên ấy.
Của thiêng liêng đó là Mình Thánh, nói đúng hơn là của hai bản tính Đức Chúa Giêsu trong hình bánh. 

Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể.
Tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, giữa lúc ăn bữa tiệc ly, Đức Chúa Giêsu cầm một miếng bánh mà phán: Đây là Mình Ta, hãy lĩnh lấy mà ăn. Tức thì tính bánh đã biến thành Mình Chúa, cũng như ở Cana nước đã trở nên rượu vậy.
Rồi Chúa Giêsu lấy một chén rượu và phán: Đây là Máu Ta, hãy lĩnh lấy mà uống. Tính rượu cũng trở nên Máu Người.
Trong hình bánh, trong hình rượu, không phải là bánh, là rượu nữa, bèn là Mình Thánh, Máu Thánh Đức Chúa Giêsu. Con mắt xác thịt ta không thể thấy Người, vì Người ẩn mình trong hình đó một cách thiêng liêng, cũng như linh hồn ở trong xác ta vậy.

Chúa Giêsu ban quyền cho Linh mục …
Lập phép Mình Thánh rồi, Chúa Giêsu đã ban cho các Linh mục làm cùng một việc như Người: “Các ngươi hãy làm việc này để nhớ đến Ta, để nhắc lại sự chết Ta sắp chịu.” 

Thánh Lễ
Vậy hễ khi Linh mục làm Thánh Lễ, thì Chúa Giêsu xuống trên bàn thờ ngự trong hình bánh và rượu. Lời Linh mục truyền phép làm cho Mình Thánh, Máu Thánh Chúa Giêsu tách nhau vậy, và nhắc đến sự chết của Người trên cây Thánh Giá.
Nhưng trên bàn thờ, Đức Chúa Giêsu hằng sống, và Người dâng cho Đức Chúa Cha sự chết đã chịu xưa, công phúc đã lập, để thay mặt cả nhân loại mà thờ phượng, cảm ơn, đền tạ, xin ơn.
Vì thế Thánh Lễ là việc thờ phượng cao trọng nhất có thể thờ phượng Chúa một cách xứng đáng hoàn toàn: nên mỗi tuần các giáo hữu phải dự lễ, để hợp cùng Chúa Giêsu mà làm tròn bổn phận mình đối với Chúa. 

Sự rước Mình Thánh
Chúa Giêsu ngự trong hình bánh không những dâng mình cho Đức Chúa Cha trên bàn thờ, lại để nuôi sự sống siêu nhiên của ta nữa.
Người đã phán: “Nếu các ngươi không ăn mình Ta, thì sẽ không thể giữ gìn sự sống được.” Bởi đó, Hội Thánh đã buộc các bổn đạo phải chịu Mình Thánh trong một năm ít là một lần; nhưng Hội Thánh hằng khuyên các bổn đạo năng chịu Mình Thánh hơn, để nuôi sự sống siêu nhiên chứa chan trong mình. 

Điều kiện để chịu Mình Thánh
Muốn rước Mình Thánh Chúa một cách xứng đáng, thì phải có ba điều kiện này: phần linh hồn, phải sạch tội trọng (ai có tội trọng phải xưng đã); phần xác, phải giữ lòng không, nghĩa là không ăn uống gì từ nửa đêm hôm chịu lễ, trừ nước lã (kẻ ốm nặng được tha điều kiện này), và lại phải có ý ngay lành, an ủi Đức Chúa Giêsu, thêm sức cho linh hồn mình, …
Trước khi rước Chúa vào lòng thì phải giục lòng tin cậy, kính mến, ăn năn tội để dọn linh hồn; chịu Mình Thánh rồi, thì phải thờ lạy, cảm ơn Chúa, xin mọi ơn cần cho mình và kẻ khác nữa.

Phép Giải Tội 

Nhờ phép Rửa Tội đã được làm con cái Chúa, lẽ ra, ta phải hàng tỏ ra mình là những đứa con hiếu thảo, hằng giữ lòng yêu mến Người. Nhưng Chúa biết tính ta vốn yếu đuối, khờ dại, ích kỷ, dễ liều mình làm mất lòng Chúa, mất sự sống siêu nhiên, nên Người, bởi lòng nhân từ vô cùng, đã lập sẵn phép Giải Tội để trị bệnh linh hồn, ban lại sự sống siêu nhiên cho ta. 

Chúa Giêsu lập phép Giải Tội.
Chúa Giêsu đã lập phép Giải Tội khi Người phán với các tông đồ và những kẻ kế quyền các đấng rằng: “Các ngươi tha tội cho ai, thì kẻ ấy được khỏi; các ngươi cầm hãm người nào, thì kẻ ấy còn mắc tội.”
Phép Giải Tội khác nào một cuộc xử án: kẻ xưng tội vừa là bên nguyên, vừa là bên bị, Linh mục làm quan tòa. Hễ khi thấy một giáo hữu thật thà xưng tội mình, thật lòng đau đớn, thì Linh mục thay mặt Đức Chúa Giêsu, mà đọc lời tha tội rằng: Ta tha tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Cách xưng tội.
Trước khi vào tòa, kẻ muốn xưng tội phải làm hai việc này: một là xét mình để nhớ các tội đã phạm, từ khi xưng tội lần cuối cùng; hai là giục lòng ăn năn tội. Ăn năn tội là chê ghét các tội, phàn nàn, trách mình vì đã phạm tội và dốc lòng chừa, không dám tái phạm nữa.
Phải ăn năn ít là tất cả các tội trọng, chẳng trừ tội nào. Phải ăn năn trong lòng; đọc kinh Ăn Năn Tội ngoài miệng không kết quả gì. Phải ăn năn vì những lẽ đức tin dạy: ăn năn tội vì đã làm thiệt hại cho mình, mất ơn nghĩa cùng Chúa, mất hạnh phúc Thiên Đàng, đáng sa Hỏa Ngục, ấy là ăn năn tội cách chẳng trọn; ăn năn tội vì Chúa, như ghét các tội, nhất là vì nó phạm đến Chúa là đấng tốt lành vô cùng, vì nó cưỡng lại thánh ý Người, đã làm cho Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, ấy là ăn năn tội cách trọn, làm cho được tha tội ngay trước khi xưng nó ra, song vẫn buộc phải xưng.
Vào tòa thì phải thưa rằng: Lạy Cha, xin Cha làm phép cho con vì con là kẻ có tội. Con xưng tội đã được … (ví dụ một tháng); con đã làm việc đền tội rồi (hay là chưa). Rồi phải xưng các tội, mà nói rằng: con đãcon đã … Buộc phải xưng các tội trọng, xưng thật rõ ràng, vừa nói giống tội gì, vừa nói số tội là bao nhiêu; ví dụ: con đã cả lòng bỏ đi lễ ngày Chúa Nhật hai lần. Bằng không nhớ rõ số tội đã phạm thì phải xưng phỏng chừng; ví dụ: con đã nói hành người ta độ dăm bảy lần. Nhỡ quên tội nào thì tội đó được tha làm một với các tội đã xưng, nhưng lúc sau nhớ đến thì phải xưng ra.
Xưng các tội mình nhớ rồi thì phải thưa với Linh mục những câu ngài hỏi, nhận việc đền tội, sau hết đọc kinh Ăn Năn Tội, đang khi Linh mục đọc lời tha tội.
Ra khỏi tòa phải cám ơn Chúa đã tha tội cho mình và phải làm việc đền tội cho kíp. 

Phép Xức Dầu Thánh 

Muốn lên Thiên Đàng không những phải sống như những người con hiếu thảo đối với Chúa, mà còn phải chết lành, nghĩa là chết trong ơn nghĩa thánh với Người. Bởi thế Chúa Giêsu đã lập một phép riêng để giúp ta trong khi mắc bệnh nặng: phép ấy là phép Xức Dầu Thánh.
Phép này ở tại lễ nghi dùng dầu thánh xức lên mắt mũi, tai, miệng, tay bệnh nhân, và đồng thời đọc kinh xin Chúa tha thứ mọi tội đã phạm bằng những cơ quan đó.
Kết quả, phần xác, là làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn, và có khi khỏi hẳn; phần linh hồn, là bao ơn thánh sủng cho những kẻ có lòng ăn năn tội mà không xưng ra được, thêm ơn nghĩa thánh, ban ơn riêng là giúp chống cự cùng ma quỷ, và được bình an trong giờ cuối cùng. 

Phép Truyền Chức Thánh. 

Năm phép trước đây được đặt ra để sinh ích lợi riêng cho những kẻ chịu, còn hai phép sau này, phép Truyền Chức Thánh và phép Hôn Phối lập ra cốt để làm ích cho Giáo Hội.

Mục đích phép Truyền Chức Thánh
Giáo Hội cần phải có các vị Linh mục có quyền cai trị, và làm các phép cho giáo hữu; tự mình chẳng ai có thể nhận lấy và chấp hành quyền phép cao trọng ấy, vì thế mà Chúa Giêsu đã lập phép Truyền Chức Thánh.

Lễ nghi.
Khi truyền chức cho các Linh mục mà Chúa đã chọn và mình đã nhận, Đức Giám Mục làm theo lễ nghi này: ngài đặt tay trên đầu các Linh mục, xức dầu vào bàn tay, trao chén lễ, và đồng thời xin Chúa ban đủ mọi quyền để tế lễ và làm các phép khác cho giáo hữu.
Các giáo hữu phải kính trọng những đấng đã được nhận lên bậc cao trọng ấy, phải biết ơn các đấng đã bỏ mọi ích lợi riêng ở đời để tận tâm tận lực lo việc cứu rỗi linh hồn người ta. 

Phép Hôn Phối. 

Chúa lập phép giao
Chính lúc tạo thành người đàn ông và người đàn bà đầu tiên, Chúa đã phối hợp cho hai người thành vợ chồng và giao quyền phép sinh sản con cái cho nhiều.
Theo ý Chúa, phép giao là phép nhất phu nhất phụ, một chồng một vợ, cũng là phép bất khả ly dị vì Người phán: “Những kẻ đã được Chúa kết duyên không thể bị nhân quyền chia rẽ.”

Chúa Giêsu lập phép hôn phối
Chúa Giêsu đã làm cho phép giao tự nhiên đó trở nên một phép Bí tích, nghĩa là một phép thêm ơn thánh sủng, và ban ơn riêng.
Vậy, khi hai người nam nữ theo lễ nghi Hội Thánh đã dạy mà giao kết với nhau thì không những việc giao đó làm cho hai người thành vợ chồng thật trước mặt Chúa, lại thêm ơn thánh sủng cho họ, cùng ban cho họ quyền lĩnh các ơn cần để làm tròn bổn phận đấng bậc mình.
Mặc dầu chỉ có “phép đạo” mới làm cho hai người Công Giáo thành vợ chồng, song nên chịu “phép đời” nghĩa là lấy giấy giá thú để được hưởng quyền lợi về dân luật. 

LỜI CẦU NGUYỆN 

Ngoài bảy phép Bí tích đã lập để thông ơn cho nhân loại, Chúa Giêsu đã ban cho ta một phương thế khác để lĩnh các ơn cần, và làm tròn bổn phận ta, ấy là lời cầu nguyện. 

Cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện là dùng trí khôn mà tưởng đến Chúa, để thờ phượng, cảm ơn, đền tạ, xin ơn Người.
Ta cũng nên xin các thánh, nhất là Rất Thánh Đức Bà Maria bầu cử cho ta được các ơn cần phần hồn, phần xác. 

Cầu nguyện lúc nào?
Ta phải cầu nguyện hàng ngày tối sáng, vừa để kính thờ Chúa, vừa để xin các ơn cần; ta phải cầu nguyện cách riêng ngày Chúa Nhật vì là ngày của Chúa và của linh hồn.
Ngoài những lúc nhất định ấy, ta cũng phải cầu xin Chúa mỗi khi ta bị cám dỗ để được chống lại, lúc ta gặp những bổn phận nặng nề để lĩnh sức mà làm nên. Ta phải năng cầu xin để được giữ ơn nghĩa cùng Chúa luôn và chết trong ơn nghĩa thánh. “Ai năng cầu nguyện thì sẽ được rỗi linh hồn, ai không siêng năng cầu nguyện thì sẽ hư đi đời đời.”

Thế là hết thiên khảo cứu nhỏ mọn này
Trong phần thứ nhất đã thấy rằng vì đã được Thiên Chúa tạo thành, chúng ta phải thờ phượng, suy phục Người, tức là giữ đạo thánh Người đã lập.
Trong phần thứ hai, ta đã học đạo thánh Chúa, xem những liên lạc ta với Chúa đã tạo thành ta, nhận ta làm con cái, cứu chuộc ta; và sẽ phán xét ta để thưởng phạt đời đời, xem các nghĩa vụ đối với Chúa là Cha ta, đối với đồng loại là anh em ta trong Chúa, xem các phương thế Chúa đã ban cho ta để làm trọn những bổn phận ấy.

Thế theo đạo Chúa, là được Chúa soi sáng cho ta biết ý nghĩa cuộc đời ta ở dưới trần gian này, là được Chúa chỉ dẫn đường ngay lành đưa tới cùng đích đời ta, và được Chúa giúp ta để đạt tới cùng mục đích ấy. 

Nói tóm một lời, theo đạo Thiên Chúa là tỏ ra mình là những con cái hiếu thảo ở đời này để đời sau được Chúa nhận vào nhà Người là Thiên Đàng. 

MỘT CHÚA! MỘT NHÂN LOẠI! MỘT ĐẠO!