NHỮNG NGHĨA VỤ PHẢI LÀM

KHOẢN THỨ HAI: NHỮNG NGHĨA VỤ PHẢI LÀM

Trong khoản thứ nhất, ta đã thấy chúng ta, bởi Chúa mà ra, đều là con cái Chúa và anh em với nhau.
Đã làm con cái Chúa tất nhiên phải có lòng hiếu đối với Người, nghĩa là phải kính mến, vâng lời, thờ phượng Người (Chúa đã truyền ba điều răn để giải thích những bổn phận ấy).
Đã là anh em với nhau, tất nhiên cũng phải có lòng yêu thương nhau (có bảy điều răn Chúa truyền để bày tỏ các bổn phận đó). 

MƯỜI ĐIỀU RĂN THIÊN CHÚA

Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.
Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.
Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật.
Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.
Thứ năm: Chớ giết người,
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.
Thứ bảy: Chớ lấy của người.
Thứ tám: Chớ làm chứng dối.
Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.
Thứ mười: Chớ tham của người.

Mười điều răn ấy gọi là Lề Luật Tự Nhiên, vì theo bản tính ta, vả lại vì mọi người tự sức mình có thể biết được nó, ít là đại khái.
Lề luật tự nhiên đã in trong lòng mọi người như thế, Chúa lại long trọng tuyên bố cho nhân loại khi đã trao cho ông Môisen hai bia đá khắc mười điều răn ấy.

Điều luật Hội thánh và dân luật
Không kể lề luật tự nhiên mọi người phải tuân giữ, cũng có những điều luật Hội Thánh buộc lương tâm các giáo hữu, có dân luật buộc các công dân, miễn là nó hợp với lề luật tự nhiên.

Lỗi những lề luật ấy là phạm tội
Lề luật tự nhiên trực tiếp bởi Chúa; lề luật Hội Thánh và dân luật gián tiếp bởi Chúa, vì Giáo Hội và xã hội bởi Chúa mà thành, và có quyền lập luật: bởi thế lỗi bấy nhiêu lề luật là chống cự lại thánh ý Chúa, là phạm tội.
Hễ khi biết lề luật nào cấm điều gì nặng, hay bó buộc điều gì cách trầm trọng, mà mình cũng cả lòng lỗi, ấy là phạm tội trọng. (Tội trọng làm mất lòng Chúa, làm cho linh hồn mất sự sống siêu nhiên, và đáng phạt đời đời trong Hỏa Ngục.)
Nhưng khi không cả lòng lỗi lề luật trọng hay là chỉ lỗi điều nhỏ mọn, thì chỉ có tội nhẹ thôi. (Tội nhẹ không làm mất sự sống siêu nhiên, chỉ đáng phạt tạm ở dưới Luyện Ngục.)

Các lề luật bó buộc ta theo lương tâm ta
Nếu ai không biết và không ngờ có luật buộc, thì mặc dầu lỗi điều đó, không có tội. Nếu tưởng nhầm luật quan hệ chỉ buộc cách nhẹ, khi phạm đến điều đó, có tội nhẹ; trái lại tưởng nhầm luật nhỏ mọn buộc cách nặng mà cũng cả lòng lỗi nó, ấy là phạm tội trọng.

NGHĨA CÁC ĐIỀU RĂN CỦA THIÊN CHÚA

Điều răn thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.

Điều răn thứ nhất buộc ta phải thờ phượng Chúa bề trong và bề ngoài.

Thờ phượng bề trong trước hết là công nhận Thiên Chúa là Đức Hóa Công, là đấng đã tạo thành vũ trụ và mọi loài, là vua chúa trời đất, là đấng mà nhân loại phải suy phục.
Thờ phượng Chúa bề trong, là tin những điều chân lý Người đã tỏ ra và nhờ Hội Thánh truyền dạy cho ta; là tin lời Chúa dạy, vì Người là đấng thông minh vô cùng không thể sai lầm được, là đấng tốt lành vô cùng, không hề lừa dối ta.
Thờ phượng Chúa bề trong cũng là trông cậy vào Người, là trông cậy Chúa quyền phép nhân từ vô cùng sẽ ban cho ta được lên Thiên Đàng, và ban các ơn cần cho ta, như đã hứa, miễn là ta xin Người và tùy sức tỏ mình là những đầy tớ trung nghĩa.
Thờ phượng bề trong sau hết là kính mến Chúa; kính mến Chúa vì Người là đấng tốt lành vô cùng, là Cha đã ban cho ta được dự phần vào bản tính Người, là đại ân nhân của ta đã ban dư dật mọi ơn phần hồn phần xác. Kính mến Chúa ở tại sự tránh mọi sự làm phiền lòng Người và nhất là chịu suy phục vâng lời Người truyền dạy, như lời Người đã phán: “Ai kính mến Ta thì giữ lời Ta”. Kính mến Chúa cũng là ở tại sự thương yêu các con cái Chúa ở dưới trần gian hay là trên Thiên Đàng.

Thờ phượng Chúa bề ngoài là làm những việc kính thờ để tỏ ra bề ngoài các tâm tình tin cậy, kính mến.
Ta phải thờ tư, nghĩa là mọi người phải đọc kinh cầu nguyện riêng, nhất là tối sáng; đọc kinh sáng để chào Chúa và dâng mọi việc làm cho Người, xin các ơn cần phần hồn phần xác; đọc kinh tối để cám ơn Chúa vì mọi ơn lành đã được ban ngày, và xin Người tha thứ các tội mình đã phạm.
Ta cũng phải thờ công, nghĩa là hội lại để làm chung với nhau những việc thờ Chúa; thờ công nhất là ở tại sự giữ ngày Chúa Nhật.

Ngoài việc thờ phượng Chúa, điều răn thứ nhất cũng buộc ta phải tôn kính những kẻ thuộc về Chúa cách riêng.
Phải tôn kính cách riêng Rất Thánh Đức Bà Maria vì Người là Mẹ Đức Chúa Giêsu, là Mẹ Đức Chúa Trời, cùng là Mẹ chúng ta về phần linh hồn nữa. Ta cũng phải tôn kính các Thiên Thần, và các thánh trên Thiên Đàng, vì các thánh ấy là các đầy tớ trung thành, là các con yêu dấu của Chúa.
Tôn kính Đức Mẹ và các thánh là ca tụng các đấng vì mọi ơn đặc biệt đã được Chúa ban cho, là bắt chước các nhân đức các đấng đã giữ, là cầu xin các đấng bầu cử với Chúa cho ta.

Thờ tổ tiên?
Ta có được thờ Phật hay là tổ tiên ta chăng? Vì việc thờ là công nhận ai là Bề Trên, là Chúa Tể, là nguồn mạch mọi sự, tất nhiên chỉ được thờ một mình Chúa. Bởi thế, đối với các tạo vật, cấm không được đốt hương, cúng tế, bài lễ, vì bấy nhiêu việc đều là việc thờ phượng, ít ra là những việc người ta thường coi như việc thờ phượng.

Có được kính nhớ tổ tiên chăng?
Nếu tổ tiên ta đã sống một cuộc đời đạo đức, đã chết khi có ơn nghĩa cùng Chúa, và nay được ở với Chúa trên Thiên Đàng thì ta được tôn kính các vị, cũng như tôn kính các Thiên Thần, các thánh nam nữ, nhưng vì Chúa không cho ta biết các vị đã được lên Thiên Đàng hay chưa, nên không được phép làm việc bề ngoài mà tôn kính các vị một cách công nhiên.
Vậy ngày giỗ, ta hãy đi nhà thờ để cảm ơn Chúa vì đã thương nhận tổ tiên ta lên Thiên Đàng, hay là ta xin Chúa ban cho các vị chóng lên chốn hạnh phúc ấy. Cầu xin Chúa cho tổ tiên rồi, ta lại muốn làm tiệc để ăn mừng với nhau, thì được phép, miễn là ta không kèm việc thờ cúng.
Cách kính nhớ tổ tiên ấy, mới là tỏ lòng hiếu đối với tổ tiên ta, vì thật sự chỉ có cách kính nhớ đó có thể giúp đỡ các vị trong cõi đời đời.

Điều răn thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

Điều răn này dạy cách tôn kính thánh danh Chúa. Có hai cách tôn kính thánh danh Chúa là lấy tên Người mà thề nguyền hay là khấn hứa với Người.
Thề nguyền là yêu cầu Chúa nhận thực lời mình nói. Việc đó vốn làm sáng danh Chúa vì là coi Người như một đấng thông minh, thật thà vô cùng, loài người phải tin phục. Vậy thề nguyền khi mình nói thật và có đủ lẽ cần, ấy là làm sáng danh Chúa thật. Nhưng thề vô ích là làm ô danh Chúa cách nhẹ, là phạm tội nhẹ. Lấy tên Chúa mà thề dối hay là thề hứa làm việc gì trái, ấy là phạm đến thánh danh Chúa cách nặng.
Khấn hứa, là thề hứa với Chúa rằng mình sẽ làm việc gì tốt, có ý buộc tội riêng nếu mình không làm. Dù việc đó vốn làm sáng danh Chúa, nhưng phải suy nghĩ cẩn thận, và hỏi ý kiến người khôn ngoan đã, mới nên buộc mình như vậy. 

Hai thứ tội làm ô danh Chúa, là nói phạm đến Người, và kêu tên Người vô cớ.
Tội nói phạm chê bai trách móc làm sỉ nhục Chúa hay là các thánh, vốn là tội rất trọng.
Kêu tên Chúa vô cớ như nói tên Chúa luôn miệng, chỉ là tội nhẹ thôi.

Điều răn thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật.

Điều răn này dạy phải thờ Chúa một cách công nhiên.
Trong Sách Thánh, Chúa phán: “Mỗi tuần chúng con hãy dùng sáu ngày làm ăn, ngày thứ bảy chúng con phải nghỉ việc, làm việc thờ phượng.” Cả ngày phải để dành cho Chúa ấy, gọi là Chúa Nhật, nghĩa là ngày của Chúa.
Ngày Chúa Nhật cũng có ích riêng cho ta nữa, vì ta được nghỉ phần xác, lo việc linh hồn, đi thăm nhau thêm tình luyến ái trong xã hội.
Cách giữ ngày Chúa Nhật là kiêng việc phần xác và dự Thánh Lễ.

Kiêng việc phần xác, mục đích là có nhiều thời giờ để thờ phượng Chúa và lo việc linh hồn.
Ngày Chúa Nhật, các việc làm bằng chân tay đều bị cấm, chỉ trừ những việc rất cần làm hằng ngày, như nấu ăn quét dọn … những việc cần kíp, như đắp đê bị vỡ, gặt lúa bị lụt … những việc cần thiết hẳn, như chữa người ốm.
Kẻ nghèo đến nỗi phải làm việc hằng ngày mới đủ dùng, thì không buộc phải nghỉ ngày Chúa Nhật, nhưng phải đi dự lễ khi có thể đi được. Ai không nghèo dường ấy, cần phải xin phép cha chính xứ hay là cha giải tội, thì mới được làm việc ngày Chúa Nhật.

Dự Thánh Lễ là việc thứ hai để giữ ngày Chúa Nhật. Việc tế lễ Misa là sự Đức Chúa Giêsu dùng miệng và tay Thầy Cả mà dâng mình trên bàn thờ cho Đức Chúa Cha như đã dâng mình xưa trên cây Thánh Giá, để thờ phượng, cảm tạ, đền tạ, xin ơn Đức Chúa Cha cho nhân loại.
Vì việc tế lễ hay là dự lễ là việc thờ phượng tốt nhất mà nhân loại có thể làm được, nên các giáo hữu buộc phải dự lễ ngày Chúa Nhật quanh năm, và bốn lễ trọng: lễ Sinh Nhật, lễ Chúa Giêsu Lên Trời, lễ Đức Bà Lên Trời, lễ Các Thánh.
Tại lỗi mình mà không dự lễ hay là dự thiếu mất một phần trọng, thì mắc tội nặng. Nhưng bỏ đi lễ vì có ngăn trở như ốm đau, coi kẻ liệt, giữ nhà … thì không có tội gì; song vẫn buộc đọc kinh cầu nguyện ở nhà mà thờ phượng Chúa cách riêng ngày đó. 

Điều răn thứ bốn: Thảo kính cha mẹ. 

Ba điều răn trên đây đã giải thích các bổn phận ta đối với Chúa là Cha ta, bảy điều răn sau này bàn về những nghĩa vụ đối với người khác, là anh em trong Chúa.
Điều răn thứ bốn dạy những bổn phận đối với những kẻ có liên lạc riêng với nhau, của những người trên và kẻ dưới, trong gia đình và ngoài xã hội.

Trong gia đình
Trong gia đình con cái phải kính trọng cha mẹ, vì cha mẹ thay mặt Chúa, mà coi sóc mình; phải yêu mến cha mẹ, vì cha mẹ là đại ân nhân hằng thương giúp mình; phải vâng lời cha mẹ, tùy sức mình đỡ đần cha mẹ công này việc nọ, và cầu nguyện cho cha mẹ khi còn sống và khi đã qua đời.
Đối với con cái, cha mẹ có những bổn phận sau này: Thương yêu con cái một cách chính đáng và nuôi dạy chúng, nghĩa là về thể dục phải săn sóc đến sức khỏe của chúng; về trí dục phải cho chúng đi học tập những điều tối cần, học chữ học nghề; về đức dục phải luyện tập tâm hồn, lương tâm, tính nết con cái để cho chúng trở nên những công dân lương thiện, những giáohữu ngoan đạo. 

Ngoài xã hội
Có kẻ làm công, người làm chủ.
Kẻ làm công phải kính trọng người chủ, làm đầy đủ công việc chủ đã giao.
Kẻ làm chủ phải nể nhân cách của thợ, không được coi như nô lệ, như cái máy, phải trả tiền công đúng mức; lưu tâm về số phận vật chất và tinh thần của kẻ ở dưới quyền mình.

Trong tổ quốc
Bổn phận chung là yêu nước, giúp nước, nhất là bằng việc đóng thuế …
Bổn phận riêng của lương dân là kính trọng nhà cầm quyền, vâng theo những lề luật chính đáng.
Kẻ cầm quyền phải hết sức khôn ngoan cai trị, theo đức công bằng, bác ái, lo ích lợi cho toàn thể, không lạm dụng quyền hành mà tìm ích riêng cho mình, hoặc cho đảng phái mình.

Điều răn thứ bốn đã giải thích những bổn phận đối với kẻ có liên lạc riêng với nhau.

Đối với kẻ khác, có bổn phận chung này: “Hãy thương yêu người ta như chính mình vậy.”
Chính Chúa Giêsu đã giải thích điều răn ấy trong hai câu sau này: “Những điều chúng con muốn người ta làm cho chúng con thì hãy làm cho người ta, điều gì chúng con không muốn người ta làm cho chúng con thì đừng làm cho người ta.”

Những điều chúng con muốn người ta làm cho chúng con thì hãy làm cho người ta
Phải giúp đỡ nhau tùy sức tùy dịp:
Giúp đỡ phần xác, như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ liệt lào, kẻ giam tù, cho khách trú nhờ …
Giúp đỡ phần linh hồn như khuyên bảo người ta, dạy dỗ kẻ mê muội, yên ủi kẻ ưu sầu, răn bảo kẻ có tội, tha cho kẻ thù, nhịn nhục kẻ làm mất lòng, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Điều gì chúng con không muốn người ta làm cho chúng con thì đừng làm cho người ta.
Năm điều răn sau của Thiên Chúa giải thích điều luật ấy.

Điều răn thứ năm: Chớ giết người.

Điều răn thứ năm dạy ta phải quý trọng đời sống của ta và của người khác, đời sống thể xác cũng như đời sống linh hồn.

Đời sống thể xác
Cấm không được tự sát, vì là phạm đến quyền sinh tử của Chúa, phạm đến lòng tự ái, làm mất mọi sự, làm mất linh hồn trong Hỏa Ngục.
Cấm không được sát hại ai, vì là phạm đến quyền sinh tử Chúa, lỗi phép công bằng đối với cá nhân và xã hội.
Đã cấm không được làm hại đến mạng sống người ta, tất nhiên cũng cấm không được làm gì mở đường cho việc ấy, như giữ lòng ghen ghét, hờn giận, báo thù, đả thương.
Nhưng khi ai xông vào ta để bóc lột hay là giết ta, mà ta không có cách nào khác để thoát khỏi, thì ta được phép đánh chết kẻ thù ấy. Quốc gia cũng có quyền trừ khử những phần tử có tội gây biến loạn. 

Đời sống linh hồn
Đã cấm không được làm mất sự sống thể xác của người ta, càng cấm làm hại đến sự sống siêu nhiên, vậy cấm không được xúi giục, sai bảo, làm gương xấu khiến cho người ta sa ngã phạm tội, mất sự sống thiêng liêng.

Điều răn thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.
Điều răn thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.

Lúc tạo thành loài người, Chúa đã gây dựng một người đàn ông và một người đàn bà, kết hợp hai người lại bằng phép nhân duyên chính đáng rồi mới truyền rằng: “Hãy sinh sản mà lan ra khắp hoàn cầu.” Như thế, những lạc thú xác thịt chỉ được phép trong bậc phu – phụ trong phép hôn phối chính đáng thôi.

Điều răn thứ sáu cấm các tội lỗi bề ngoài phạm đến nhân đức trinh khiết.
Cấm không được cả lòng hưởng lạc thú xác thịt một mình; tội lỗi đức trinh khiết ấy vốn là tội trọng.
Cấm không được phạm tội dâm dục; tội ấy lỗi đức trinh khiết và đức thương yêu cách nặng.
Ai đã kết hôn mà phạm tội với một người khác, là phạm tội ngoại tình, lỗi đức trinh khiết, đức thương yêu, đức công bằng một cách nặng.
Đã cấm không được cả lòng hưởng lạc thú xác thịt ngoài phép kết hôn chính đáng, cũng cấm không được làm những cử chỉ mở đường cho những lạc thú ấy: như mắt nhìn, miệng nói, tay sờ mó … Không có cớ chính đáng mà làm những việc ấy thì mắc tội; đã vô cớ mở đường cho lạc thú ngang trái cách gần, thì là tội trọng.

Điều răn thứ chín cấm các tội lỗi bề trong phạm đến nhân đức trinh khiết.
Điều gì cấm không được làm tất nhiên cũng cấm không được ham muốn, không được ưa thích. Vậy ai có lòng bày vẽ trong trí khôn việc lỗi hẳn đức trinh khiết hay là cả lòng ước ao làm những việc vốn cấm ấy thì mắc tội trọng. Nhưng nếu suy tưởng hay ham muốn những việc mở dịp cho các tội về đàng trái, như mắt xem, tay mó, thì tư tưởng hay lòng ước ao là tội trọng hoặc nhẹ, tùy theo việc mở đàng cho tội trọng cách gần hay xa.

Điều răn thứ bảy: Chớ lấy của người.
Điều răn thứ mười: Chớ tham của người. 

Muốn cho nhân loại chịu khó làm ăn, biết lo xa và gầy dựng cho con cháu, nói tóm là ăn ở một cách xứng hợp với nhân phẩm, Chúa đã ban cho ta được lập, hưởng, và tiêu dùng của riêng, gọi là sở hữu quyền.
Phạm đến quyền đó là lỗi phép công bằng. Điều răn thứ bảy cấm các tội lỗi bề ngoài, điều răn thứ mười cấm các tội lỗi bề trong.

Có nhiều cách lỗi đức công bằng bề ngoài, như ăn trộm, ăn cắp, ăn bớt, cho vay lấy lãi nặng, không giữ đúng lời giao ước, không trả phải chăng, giữ của đã lấy được hay là của người ta đã ủy thác hoặc cho vay, làm thiệt hại của cải người ta, …
Lấy của trọng trái phép công bằng hay là làm thiệt hại cách nặng, là phạm tội trọng. Nhưng thế nào là của trọng? Đó là tùy người, nói chung là lấy của người ta cần dùng để nuôi thân sống một ngày.
Đã lỗi phép công bằng như thế, thì phải đền bù, ít là phải có lòng muốn đền bù, thì mới được Chúa tha tội cho mình.

Cũng cấm không được ước ao lấy của người ta hay làm thiệt hại cho họ. Hễ khi đã muốn lấy của người ta, dù chưa lấy được, đã có tội rồi, tội nặng hay nhẹ, tùy theo của mình đã tham muốn.

Điều răn thứ tám: Chớ làm chứng dối.

Điền răn cuối cùng này dạy phải kính trọng danh dự người ta.
Cấm không được nói dối, lừa đảo người ta. Nhưng nếu người làm trái phép mà vặn hỏi sự kín, thì ta được nói quanh để giữ kín điều ấy.
Cấm không được nói hành, nghĩa là vô cớ mà tỏ ra những lỗi người ta đã phạm. Nói ra những lời vừa kín vừa trọng, làm thiệt hại cách nặng đến danh dự người ta, là phạm tội trọng.
Càng cấm ngặt hơn, không được bỏ vạ, nghĩa là đổ cho người ta những tội họ không phạm; tội đó nặng nhẹ tùy theo đã làm hại danh dự cách nặng hay nhẹ. Nói hay bỏ vạ làm mất danh giá người ta thì phải bồi thường tùy tiện.

NHỮNG ĐIỀU LUẬT HỘI THÁNH.

Hội Thánh đã lập mấy điều luật để bổ túc cho mười điều răn của Thiên Chúa.

Điều luật thứ nhất: Xem lễ ngày Chúa Nhật, cùng các lễ buộc.
Điều luật thứ hai: Chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.

Hai điều luật đầu tiên ấy chỉ dạy cách giữ ngày Chúa Nhật; đã cắt nghĩa trên rồi.

Điều luật thứ ba: Xưng tội trong một năm ít là một lần.
Điều luật thứ bốn: Chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục Sinh.

Sẽ giải thích hai điều luật này trong khoản thứ ba khi nói về các phép Bí tích.

Điều luật thứ năm: Giữ chay những ngày Hội Thánh buộc.
Điều luật thứ sáu: Kiêng thịt ngày thứ sáu cùng những ngày khác Hội Thánh dạy.

Chúa đã truyền rằng mọi người phải hãm mình để trừ khử các tình dục. Hai điều răn này dạy cách hãm mình phần xác.
Theo ý Hội Thánh, ăn chay là ăn một bữa no mà thôi, ngày ăn chay, sáng chỉ được phép ăn mấy miếng, tối ăn vừa, bữa trưa mới được ăn no.
Những ngày ăn chay ở nước Việt Nam là các ngày thứ sáu mùa Chay, các ngày thứ sáu Bốn Mùa, ngày áp lễ Sinh Nhật, và ngày áp lễ Đức Bà Lên Trời.
Lề luật ăn chay buộc những bổn đạo đã tới hai mươi mốt tuổi, và chưa đến sáu mươi tuổi. Nhưng nếu có ai cần phải làm việc khó nhọc, hay là có ngăn trở khác, thì vốn được tha.

Lề luật kiêng thịt, dạy phải kiêng thịt các ngày thứ sáu quanh năm, và mấy ngày khác. Hội Thánh đã chọn ngày thứ sáu buộc làm việc hãm mình, để cho các bổn đạo tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Giêsu đã chịu chết cho mình ngày đó.

Các bổn đạo phải giữ lề luật kiêng thịt từ khi lên bảy tuổi cho đến chết. Nhưng ai cần phải ăn thịt vì yếu sức, hay là không có món nào khác thì được tha. 

DÂN LUẬT

Các chính phủ phần đời đã được Chúa ban quyền để cai trị về đàng vật chất nếu như dân luật hợp với lề luật tự nhiên; khi được vậy, dân luật buộc lương tâm nhân dân.