NHỮNG ĐIỀU CHÂN LÝ PHẢI BIẾT

PHẦN THỨ HAI
DIỄN GIẢI ĐẠO THIÊN CHÚA

Trong phần thứ nhất tập khảo cứu, căn cứ vào lẽ phải và lịch sử, ta đã chứng minh cả nhân loại theo đạo Thiên Chúa.
Trong phần thứ hai này, theo lời Chúa phán trong Sách Thánh, ta sẽ diễn giải đạo Thiên Chúa qua những chân lý phải biết, những nghĩa vụ phải làm, và những phương thế phải dùng.

KHOẢN THỨ NHẤT: NHỮNG ĐIỀU CHÂN LÝ PHẢI BIẾT

Trong khoản thứ nhất này, chúng tôi giải thích các mối liên lạc nhân loại đối với Chúa là Đấng đã tạo thành ra ta, nhận ta làm con cái, cứu chuộc ta, và sau này sẽ xét đoán cuộc đời ta để thưởng phạt vĩnh viễn.
Những mối liên lạc ấy tóm lại trong kinh Tin Kính mà chúng tôi sẽ cắt nghĩa từng điều.

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kirixitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi:
bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh;
chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại;
lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội.
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy. Amen.

“Tôi tin kính Đức Chúa Trời …”

Có Thiên Chúa
Trong phần thứ nhất tập khảo cứu này, ngắm vũ trụ mênh mông các loài sinh vật trần gian, ta đã luận: có một đấng tự hữu đã tạo thành những vật thụ tạo, cũng như lúc ta thấy một tòa nhà, ta biết phải có thợ xây.
Loài người ta tin biết có Thiên Chúa vì đã thấy Người hiện ra với tổ phụ, nhất là vì đã thấy Chúa giáng sinh (sẽ xem sau này). 

Bản tính Thiên Chúa
Nay ta xét xem Đấng Hóa Công là đấng nào, có bản tính gì?
Lúc hiện ra với ông Môisen, Chúa đã tự xưng mình là đấng tự hữu, hằng hữu, nghĩa là đấng mà bản tính là “sự có”, nên không thể không có được, hằng có từ trước vô cùng, gồm có mọi sự tốt có thể có được.
Tự sức trí khôn ta cũng có thể hiểu biết những tư cách của bản tính Thiên Chúa ấy. Tục ngữ có câu: “Xem quả biết cây, xem việc biết thợ.” Áp dụng câu đó vào toàn thể vạn vật Chúa đã tạo thành, ta biết được Chúa là đấng tự hữu hằng hữu vì là căn nguyên mọi vật thụ tạo, là đấng toàn thiện (tốt lành vô cùng) vì là nguồn mạch mọi sự tốt nơi các tạo vật, là đấng toàn năng (quyền phép vô cùng) vì bởi hư vô mà làm ra mọi tạo vật, là đấng vô lượng vô biên (ở khắp mọi nơi) vì Người gìn giữ thống trị toàn thể vạn vật, là đấng thông minh vô cùng vì đã an bài trật tự cả vũ trụ và trong mỗi một tạo vật, là đấng linh thiêng (không có xác) vì là đấng tốt lành, là đấng hằng hữu (hằng có đời đời) vì là đấng toàn hữu không phải lãnh sự sống, bèn phải có tự mình và tự thuở đời đời, là đấng độc nhất (chỉ có một vì không thể có hai đấng toàn hảo).

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha, Con, Thánh Thần 

Lý trí của ta tự sức đã biết được có một Thiên Chúa tốt lành; nhưng Chúa đã tỏ ra cho ta hay bản tính độc nhất của Chúa có Ba Ngôi tách bạch hẳn nhau, gọi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Điều mầu nhiệm ấy, tự sức riêng ta không biết được, hơn nữa, sau khi Chúa tỏ ra cho biết vẫn chưa có thể hiểu hẳn được vì bản tính vô hạn của Chúa vượt quá sức trí khôn hèn mọn của ta. Một thí dụ lấy ngay trong mình ta sẽ giúp cho ta hiểu một chút cái bản tính “duy nhất” của Chúa. Ta chỉ có một linh hồn thế mà trong linh hồn ta có ba tài năng: cảm giác, trí khôn, ý muốn.

Nói tóm: Thiên Chúa Ba Ngôi là đấng tự hữu, trọn hảo có từ trước vô cùng, là nguồn mạch vạn vật

“Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên Trời Đất.”

Ba Ngôi Thiên Chúa có từ thuở đời đời và đồng hưởng hạnh phúc tuyệt hảo. Nhưng vì là đấng tốt lành vô cùng, Chúa đã muốn tạo thành các loài có thể tùy sức mình tham dự vào sự sống và hạnh phúc của Người.

Chúa tạo thành các Thiên Thần
Trước hết Chúa tạo thành trên Thiên Đàng các Thiên Thần là binh lính để hầu hạ trong lâu đài Người. Chúa lại thêm cho bản tính tự nhiên của Thiên Thần một ơn quý trọng là ơn thánh sủng làm cho các vị Thiên Thần được dự vào bản tính Chúa, và làm con cái Người.
Song trước khi ban vĩnh phúc ấy cho các Thiên Thần, Chúa đã muốn thử các vị một lần. Ít nhiều theo Luxiphe gây loạn đã trở nên ma quỷ, bị đuổi xuống Hỏa Ngục. Ma quỷ được phép cám dỗ loài người về phần linh hồn, và thỉnh thoảng được quấy nhiễu phần xác nữa.
Phần đông hơn các Thiên Thần theo thánh Micae đã ở trung thành với Chúa nên vẫn được làm con cái Chúa hưởng phúc Người trên Thiên Đàng, và dưới trần gian thi hành các mệnh lệnh Người. Mỗi người chúng ta có một vị Thiên Thần để bảo vệ riêng cho mình, quen gọi là Thiên Thần bản mệnh. 

Chúa tạo thành nhân loại
Sau khi đã tạo thành Thiên Thần trên Thiên Đàng, Chúa muốn tạo lập một loài khác ở dưới trần gian, tức là loài người gồm có một linh hồn thiêng liêng và một thân xác vật chất.

Chúa tạo thành trái đất
Nhân loại mà Chúa đã định tạo thành cần phải có một chỗ ở, có của nuôi mình, nên Người đã tạo trái đất và các loài thực vật, động vật.
Chúa đã tạo thành chúng cách nào? Không dùng vật liệu nào vì chưa có đâu, mà chỉ dùng hành vi của ý tối cao tối đại Người. Chúa muốn: tức thì một khối vật chất nóng nảy to lớn bởi hư vô xuất hiện, và dần dần thành hình hàng triệu tinh tú ta thấy trên bầu trời.
Khi trái đất Chúa dự định làm chốn cho nhân loại ở đã nguội, Người liền gieo hạt giống mọi thứ cây cối, và tạo ra mọi giống động vật, loài cá, loài chim, loài thú.

Chúa tạo thành loài người.
Sách Thánh thuật rằng lúc tạo thành nguyên tổ nhân loại, Chúa đã nặn một tí đất thành hình một thân người nam, rồi, Người đã phú linh hồn thiêng liêng vào nó làm cho sống động được: người nam đầu tiên bởi tay Chúa mà ra, tên là Adong.
Rồi Chúa lấy một xương của Adong nặn thành hình, thân thể một đàn bà và cũng phú linh hồn thiêng liêng cho sống động được: đàn bà đầu tiên ấy tên là Evà,
Tạo thành nguyên tổ nhân loại đoạn. Chúa phán với họ rằng: bay hãy sinh sản mỗi ngày một đông thêm mà lan ra cả mặt đất này, làm chủ mọi loài Ta đã tạo thành cho bay dùng.
Vì hết mọi người bởi hai nguyên tổ nhân loại mà ra, họ đều thuộc một loài, đều là anh em với nhau, mặc dầu những hình thức hơi khác nhau bởi ảnh hưởng khí hậu.
Chúa đã ban cho nguyên tổ quyền truyền sinh con cháu, nhưng chính Người phải phủ linh hồn thiêng liêng cho mỗi người sinh ra ở dưới trần gian.

Chúa nhận loài người làm con cái
Đã ban sự sống cho loài người, đặt loài người làm vua vũ trụ Chúa chưa lấy làm thỏa lòng. Người lại muốn cho loài người được dự vào bản tính riêng Người, làm con cái Người, như đã ban cho các Thiên Thần.
Cho nên chính lúc tạo thành nguyên tổ loài người, Chúa đã phủ vào linh hồn chúng ta ơn thánh sủng làm cho chúng ta nên con cái Người, có thể biết, yêu mến Người ở trần gian, và chung hưởng hạnh phúc với Người trên Thiên Đàng.
Chúa lại ban cho tổ phụ ta mấy ơn đặc biệt làm cho khỏi phải đau đớn trong xác, cay cực trong tâm hồn, và khỏi phải chết. Rồi Chúa đặt tổ phụ ta trong một vườn đầy vui thú, gọi là vườn địa đàng.
Ấy là số phận êm ái, là cuộc tương lai tốt đẹp Chúa đã đặt cho nhân loại đời này và đời sau.

Chúa thử tổ tông nhân loại
Trước khi ban cho nguyên tổ nhân loại được hưởng mãi bấy nhiêu ơn siêu nhiên đặc biệt ấy, và ban quyền truyền lại cho con cháu làm một với sự sống phần xác, Chúa đã muốn thử thách tổ phụ ta, cũng như đã thử các Thiên Thần.
Chúa phán cùng tổ phụ ta: Ta ban phép cho chúng con ăn dùng hết các hoa quả trong vườn này, chỉ cấm chúng con không được ăn quả cây này (Người trỏ cho các đấng một cây riêng). Nếu chúng con vâng giữ lời Ta cấm, thì chúng con và con cháu chúng con sẽ được sung sướng lâu năm ở dưới trần gian này, rồi lên Thiên Đàng để hưởng hạnh phúc vô cùng vĩnh viễn. Ví bằng chúng con không vâng phục lời ngăn cấm của Ta, chúng con sẽ mất ơn nghĩa thánh với Ta, sẽ phải vất vả đau khổ đời này, đời sau không được lên Thiên Đàng; vả lại chúng con sẽ không được truyền lại cho con cháu bao nhiêu ơn huệ chúng con đang hưởng bây giờ.

Tổ tông nhân loại sa ngã phạm tội
Đáng lẽ tổ tông ta phải hết lòng vâng lời Chúa cấm ngăn, vì việc thử thách đó vừa dễ dàng vừa quan hệ.
Nhưng nghe lời ma quỷ lừa đảo cám dỗ, tổ tông ta đã trót liều ăn quả cấm. Đã trái lệnh Chúa: phạm tội, nên tổ phụ mất ngay ơn nghĩa thánh cùng Chúa, mất sự sống siêu nhiên, và không được truyền lại cho con cháu (vì tội đó mà mọi người sinh ra ở trần gian điều thiếu sự sống siêu nhiên; sự thiếu đó gọi là tội tổ tông truyền).
Không những mất sự sống siêu nhiên, mất Thiên Đàng cho mình và con cháu, tổ phụ ta lại mất các ơn đặc biệt, nên vì tội tổ tông ấy mà nhân loại phải đau khổ đời này, bị các thứ bệnh hành hạ trong xác, bị các dục vọng quấy trong hồn, và phải chết.
Thế là nhân loại đã từ chối không làm con cái Chúa, làm hư hỏng số phận tốt đẹp Chúa đã đặt cho, đã đáng bị Chúa ruồng bỏ như các Thiên Thần phản ngụy.

Chúa hứa ban một Đấng Cứu Thế
Nhưng Chúa nhân từ vô cùng không ruồng bỏ nhân loại, còn đem lòng thương hại, hứa ban một Đấng Cứu Thế, giúp cho nhân loại lại được làm con Chúa đời này, lên Thiên Đàng đời sau.
Vì muốn cho loài người thấy rõ bỏ Chúa là gây cho mình một số phận bi thảm, nên Chúa không cho Đấng Cứu Thế xuống thế gian ngay.
Sách Thánh kể lại rằng nhân loại một ngày một suy đồi, đã mắc trăm nghìn sự khốn khó, dần dần bỏ đạo Thiên Chúa mà thờ tạo vật, cả đến ma quỷ.
Khi thấy nhân loại đã đủ ngậm đắng nuốt cay mà hối hận phàn nàn tội mình. Chúa bèn cho Đấng Cứu Thế giáng sinh.

“Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kirixitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh.”

Tội nhân loại đã phạm đến Chúa, Đấng Tối Cao, trầm trọng vô cùng, nên chỉ một mình Chúa, mới có thể đền được. Vì thế, Đấng Cứu Thế mà Chúa đã ban cho nhân loại, chính là Ngôi Hai Thiên Chúa.
Muốn cứu thế, Ngôi Hai cần phải lấy xác loài người ta, vì như thế mới có thể lập công được. Muốn mang thể xác loài người, Ngôi Hai xuống thai bởi một người trinh nữ.

Đức Mẹ Thiên Chúa …
Người nữ “có phúc hơn mọi người nữ” đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế là một trinh nữ tên là Maria thuộc dân Do Thái, bên phương Đông. Để cho người nữ ấy xứng đáng thiên chức cao thượng đó, Chúa đã ban cho người khỏi mắc tội tổ tông.
Khi đến ngày Chúa đã định cứu thế, Thiên Thần Gabirie từ Thiên Đàng xuống hỏi Bà Maria có ưng thuận làm Mẹ Đấng Cứu Thế chăng? Bà Maria vâng theo ý Thiên Chúa ngay; tức thì Đức Chúa Thánh Thần làm thành thân xác cho Ngôi Hai trong lòng Rất Thánh Đồng Trinh.
Vì đã thụ thai cách lạ lùng như thế, nên Đức Bà Maria đã giữ tuyền vẹn đức trinh khiết người; vì đã ban xác cho Ngôi Hai, là Thiên Chúa, nên người được gọi, và thật là Mẹ Đức Chúa Trời.
Thụ thai Ngôi Hai rồi Đức Bà Maria theo ý Chúa lấy ông Giuse làm bạn thanh sạch: cả hai đấng thánh đều thề hứa sẽ sống một cuộc đời hoàn toàn trong sạch để tận tâm coi sóc Chúa Hài Đồng sẽ sinh ra trong gia đình mình.

Chúa Cứu Thế giáng sinh
Đến thời Đức Bà Maria sắp sinh con, có lệnh hoàng đế La Mã buộc mọi người dân Do Thái về bản hương khai sổ: Đức Bà Maria và ông Giuse phải bỏ Nazareth về thành Bêlem, là nơi Ngôi Hai phải giáng sinh.
Vì ở thành Bêlem, khách quá đông đúc, Đức Bà không sao tìm được nhà ở, phải tạm trú ngụ trong một hang đá thường dùng làm chuồng vật.
Nửa đêm, Ngôi Hai ra đời.
Một đoàn Thiên Thần xuống hát mừng Ngôi Hai giáng sinh, và báo tin cho bọn mục đồng đến thờ lạy Chúa Hài Đồng. Tám ngày sau sinh nhật, theo Chúa dạy, ông Giuse đặt tên cho Chúa Hài Đồng là Giêsu nghĩa là Cứu Thế.
Ngày thứ bốn mươi, Đức Bà Maria lên Giêrusalem dâng Chúa Giêsu trong đền thờ; một cụ già tên là Simêon được Chúa soi sáng công nhận “hài nhi” là Đấng Cứu Thế thiên hạ hằng mong đợi. Thánh gia vừa mới về Bêlem thì ba nhà thông thái bên phương Đông theo một ngôi sao lạ hướng dẫn đến kính thờ Chúa Hài đồng và công nhận Người là Vua Chúa trời đất.

Thời thơ ấu Chúa Giêsu
Việc “ba vua” đến thờ lạy Chúa Giêsu làm vua Hêrôđê thịnh nộ, nên Thánh gia phải trốn sang nước Ai Cập và ở đất khách quê người cho đến khi vua băng hà. Rồi Thánh gia trở về đất Giuđêa, đến ở thành Nazareth: ông Giuse làm thợ mộc, Chúa Giêsu giúp cha nuôi.

Chúa Cứu Thế ra giảng đạo
Khi tới ba mươi tuổi, Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay ông thánh Gioan Tiền Hô,và ăn chay cầu nguyện trong rừng suốt bốn mươi ngày, để dọn mình làm thiên chức, là chuộc tội cho thiên hạ và bổ túc cho đạo Thiên Chúa.
Trong ba năm trời, cùng với mười hai tông đồ đã chọn, Chúa Giêsu giảng “Phúc Âm” cho dân Do Thái; Người hằng nhắc lại: cả nhân loại phải trở lại đạo Thiên Chúa mà họ đã nhãng quên.
Muốn cho nhân loại nhận định bản tính Thiên Chúa của Người, công nhận thiên chức cứu thế và lập đạo của Người, Chúa Giêsu đã làm biết bao “phép lạ” “chỉ có Chúa có thể làm được”: như trừ quỷ ra khỏi kẻ bị nó ám, chữa khỏi những kẻ mắc bệnh, khiến kẻ chết sống lại … Chứng cớ tỏ tường nhất về thiên chức Chúa Giêsu là Người sống lại như đã nói trước.

Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại;”

Giảng đạo ba năm rồi, Chúa Cứu Thế để các quan dân Do Thái theo tính ghen ghét dùng âm mưu giết chết Người. Thượng Sứ Philatô xét việc rồi, ba lần tuyên bố Chúa Giêsu vô tội, nhưng vì sợ các quan Do Thái vu cáo với hoàng đế La Mã, nên ông kết án Chúa Giêsu.
Sau khi đã bị đánh đòn, bị hành hạ một cách dã man, bị nhạo báng một cách sỉ nhục, Chúa Giêsu phải vác Thập Giá và lên núi Canvariô (núi Sọ) và chịu đóng đinh vào thập tự giá.
Thế là như Người đã muốn, và đã nói trước về việc Chúa đã chết trên cây Thánh Giá mà đền tội cho nhân loại.

Chúa Giêsu sống lại
Khi đã biết Chúa Giêsu tắt hơi, các quan Do Thái để các môn đệ Người táng xác trong hang đá, rồi họ niêm phong và cho một đoàn linh canh giữ.
Đồng thời linh hồn Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông, là nơi các thánh tổ phụ chờ đợi Đấng Cứu Thế.
Sáng ngày thứ ba, sau khi chết, Chúa Giêsu cho linh hồn lại hợp với xác, và sống lại vinh hiển, như đã nói trước. Thường năm, lễ Phục Sinh, nhắc lại phép lạ khác thường này chứng minh Đức Chúa Giêsu Kirixitô là Thiên Chúa.
Giảng đạo Thiên Chúa, cứu chuộc nhân loại rồi, Chúa Giêsu đã làm xong thiên chức mình ở dưới trần gian.
Nhưng còn phải giảng đạo trong khắp hoàn cầu: việc ấy Chúa Giêsu đã giao cho mười hai tông đồ đã chọn, và cho Hội Thánh mà Người đã lập (sẽ nói sau).

lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.”

Ngày thứ bốn mươi sau khi sống lại, từ trên núi Ôlivề, Chúa Giêsu lên trời.
Ở trên Thiên Đàng, Đức Chúa Giêsu ngự bên hữu Đức Chúa Cha, nghĩa là có cùng một quyền với Đức Chúa Cha vì Người có cùng một bản tính với nhau.
Đến ngày tận thế, Chúa Giêsu sẽ lại xuống thế gian một cách công khai để phán xét chung cả nhân loại (sẽ nói sau).

“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần;”

Đã thấy rằng bản tính duy nhất Thiên Chúa có Ba Ngôi tách bạch nhau gọi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần.
Cùng thấy Đức Chúa Cha đã tạo thành vũ trụ và mọi loài, Đức Chúa Con đã chuộc tội cho nhân loại, nay sẽ thấy Đức Chúa Thánh Thần hằng phân phát các ơn lành cho nhân loại. (Mọi người chúng ta lĩnh ơn Đức Chúa Thánh Thần cách riêng trong phép Thêm Sức sẽ nói đến sau này.)
Mười ngày sau khi Chúa Giêsu lên trời, Đức Chúa Thánh Thần lấy hình ngọn lửa mà hiện ra trên các tông đồ, soi sáng thêm lòng hăng hái cho các đấng làm thiên chức mà Chúa Cứu Thế đã giao cho.

tôi tin có Hội Thánh ở khắp thế này,”

Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã giảng dạy những điều nhân loại cần phải biết mà lên Thiên Đàng, đã nhắc lại các bổn phận phải làm đối với Chúa và người ta, đã lập nên mấy phép để giúp cho ta lĩnh được, và giữ lấy sự sống siêu nhiên, và làm con cái Chúa.
Chúa Giêsu đã giảng cho dân Do Thái, giảng dạy trong ba năm; để giảng truyền cho tất cả các dân, để giảng đạo đến ngày tận thế, Chúa Giêsu đã lập một hội gọi: Hội Thánh Công Giáo.
Chúa Giêsu đã giao cho các tông đồ và các vị sẽ kế quyền các đấng, đủ mọi quyền để làm trọn thiên chức mình. Người phán rằng: “Hãy đi giảng dạy Phúc Âm cho hết mọi người, hãy dạy dỗ mọi dân tộc; hãy dạy cho mọi người biết tất cả những điều Ta đã truyền dạy; kẻ nào vâng lời các ngươi là vâng lời Ta; hãy rửa tội cho mọi người, kẻ nào tin và chịu phép Rửa Tội sẽ được rỗi linh hồn; mọi tội lỗi đều được tha cho kẻ nào các ngươi đã giải tội cho.”

Hội Thánh Công Giáo
Dù gặp nhiều trở ngại (trong ba thế kỷ đầu tiên có vô số người Công Giáo đã chịu tử vì đạo), Hội Thánh một ngày một lan rộng hơn, hiện thời không có nước nào trong hoàn cầu và dân tộc nào mà chưa nghe biết Phúc Âm.
Vì thế Hội Thánh được gọi và thật là Hội Thánh Công Giáo nghĩa là hội tôn giáo của nhân loại, chứ không phải đạo riêng của một dân tộc.

Giáo Hội trong hoàn cầu
Số các giáo hữu trong hoàn cầu hiện thời đã tới 464 triệu, có độ bốn mươi vạn Linh mục trông nom.
Khắp hoàn cầu chia ra làm độ 1500 địa phận, mỗi địa phận có một Giám mục cai quản.
Cả Giáo Hội ở dưới quyền Đức Giáo Hoàng, là kế quyền thánh Phêrô tông đồ, mà chính Giêsu đã đặt cai trị cả Hội Thánh.
Đức Giáo Hoàng đương kim có tông hiệu là Piô thứ mười hai, là đấng thứ 260 kế quyền thánh Phêrô.
Ngoài bốn trăm triệu người Công Giáo là những giáo hữu chân chính cũng có mấy trăm triệu tín đồ, theo bè rối Hy Lạp, như nước Nga, hoặc theo đạo Thệ Phản như phần nhiều người Anh: họ theo chủ nghĩa Phúc Âm mà không suy phục quyền Đức Giáo Hoàng.

các thánh thông công.”

Tiếng “thánh” chỉ các giáo hữu vẫn còn sống ở dưới trần gian hay là đã qua đời mà có ơn nghĩa cùng Chúa.
Các thánh thông công nghĩa là các giáo hữu ở dưới thế gian giúp đỡ nhau bằng lời cầu nguyện, ca tụng các thánh trên trời, và giúp các linh hồn ở dưới Luyện Ngục; các linh hồn ở dưới Luyện Ngục và các thành trên trời bầu cử cho ta được rỗi.

“Tôi tin phép tha tội.”

Nghĩa là tôi công nhận phép Giải Tội do Chúa Giêsu đã lập (trong khoản thứ ba sẽ bàn về phép ấy).

“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.”

“Chúa đã định: ai ai cũng phải chết một lần”. Thế thì giờ chết số phận ta thế nào? Xác vùi dưới đất chóng trở nên bụi đất như lời Chúa đã phán với tổ tông nhân loại: “Bay bởi đất mà ra, bay lại trở nên đất.”
Còn linh hồn mọi người phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét như lời Sách Thánh dạy: “Chúa đã định mọi người phải chết một lần, rồi chịu phán xét.”

Cuộc phán xét riêng
Chính lúc linh hồn ra khỏi xác, mỗi người bị Chúa tra xét về mọi việc lành dữ đã làm ở đời, để được thưởng hay bị phạt trong cõi đời đời.
Linh hồn có ơn nghĩa thánh cùng Chúa, và được trong sạch hoàn toàn thì được lên Thiên Đàng ngay, để hưởng hạnh phúc vô cùng.
Linh hồn có ơn thánh sủng nhưng chưa đền đủ các tội mình, thì bị giam cầm tạm ở dưới Luyện Ngục.
Những linh hồn không có ơn nghĩa cùng Chúa thì bị Chúa luận án sa Hỏa Ngục để bị đày xa Chúa đời đời, bị lửa thiêu sinh, và lương tâm cắn rứt mãi mãi.

Cuộc phán xét chung
Trong sách Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy rằng: đến ngày tận thế mọi người đều sẽ sống lại để chịu phán xét chung.
Các Thiên Thần sẽ chia rẽ kẻ lành cùng kẻ dữ, rồi Chúa Giêsu sẽ tuyên án mỗi đoàn. Người sẽ phán với kẻ dữ rằng: “Hỡi quân vô phúc, ở dưới thế bay không muốn yêu mến Ta, không muốn thương yêu anh em, bay hãy xéo ra khỏi mặt Ta, hãy ra khỏi gia đình Ta, hãy xuống Hỏa Ngục là nơi Ta đã lập cho ma quỷ và những kẻ muốn theo nó.”
Rồi Chúa Giêsu sẽ phán với kẻ lành rằng: “Hỡi các con yêu dấu, ở dưới thế chúng con đã yêu mến Ta, đã thương yêu nhau, nay chúng con hãy vào chốn trường sinh, hãy lên Thiên Đàng là nhà Ta đã dọn cho chúng con từ khi tạo thiên lập địa.”

Kết luận khoản thứ nhất:
Trong khoản thứ nhất này, ta đã giải quyết các vấn đề quan hệ nhất đối với cuộc đời ta: Ta bởi đâu mà ra? Bởi Chúa đã tạo thành ra ta. Ta là ai? Là những con cái Chúa đã ban sự sống siêu nhiên cho. Ta sống để làm gì? Để tỏ mình là những con cái hiếu thảo, những đầy tớ trung nghĩa với Chúa. Đời sau số phận ta thế nào? Ai đã kính mến Chúa đời này, đời sau sẽ được hưởng hạnh phúc với Người đời đời.

Muốn làm con cái Chúa, ta phải dùng phương thế nào? Điều đó sẽ xét trong khoản thứ ba.

Vì đã làm con cái Chúa, ta có những bổn phận gì? Ấy là điều ta sẽ xét trong khoản thứ hai này.