GIÁO LÝ DỰ TÒNG (VẤN ĐÁP)

Lưu ý: Đây là những câu hỏi để tra khảo dành cho các người Dự Tòng để chuẩn bị chịu Phép Rửa Tội. 

PHẦN THỨ NHẤT
CẢ NHÂN LOẠI PHẢI THEO ĐẠO THIÊN CHÚA

Hỏi: Vũ trụ, trái đất, các loài cây cối và nhân loại bởi đâu mà có?
Thưa: Vạn vật do bởi Đức Hóa Công tạo thành, gọi là Thiên Chúa. 

Hỏi: Tại sao mà ta biết vũ trụ và nhân loại bởi Thiên Chúa mà ra?
Thưa: Ta biết vũ trụ và vạn vật bởi Thiên Chúa mà ra vì chúng không thể tự thành được nên cần phải có một đấng thông minh quyền phép vô cùng tạo thành chúng. 

Hỏi: Vì bởi Thiên Chúa mà ra, nhân loại có những bổn phận gì đối với Người?
Thưa: Vì bởi Thiên Chúa mà ra, nhân loại phải kính mến, suy phục thờ phượng Người. 

Hỏi: Ai đã lập đạo Thiên Chúa?
Thưa: Chính Chúa đã lập đạo thánh ấy lúc đã tạo thành nhân loại, cho nhân loại cứ đạo đó mà thờ phượng Người.

Hỏi: Tại sao đạo Thiên Chúa cũng gọi là đạo Công Giáo?
Thưa: Đạo Thiên Chúa cũng gọi là đạo Công Giáo vì Chúa đã lập đạo thánh ấy cho tất cả các dân thiên hạ.

Hỏi: Tại sao mọi người, mọi dân, đều buộc phải theo đạo Thiên Chúa?
Thưa: Mọi người đều phải theo đạo Thiên Chúa để thờ Người, vì tất cả mọi người đều do bởi Chúa đã tạo thành, đều là con cái Người.

PHẦN THỨ HAI
DIỄN GIẢI ĐẠO THIÊN CHÚA

Khoản thứ nhất: Những Điều Chân Lý Phải Biết

Hỏi: Kinh nào tóm lại những điều ta cần phải biết?
Thưa: Kinh Tin Kính tóm lại những điều cốt yếu ta phải biết, ta phải tin. 

Hỏi: Vì sao ta phải tin những điều đạo Thiên Chúa dạy ta?
Thưa: Ta phải tin những điều Chúa đã truyền dạy vì Chúa là đấng thông minh vô cùng không thể sai lầm được, là đấng nhân từ vô cùng không muốn lừa dối ta. 

Hỏi: Chúa là đấng nào?
Thưa: Tự sức trí khôn ta có thể biết được Chúa là đấng toàn linh tốt lành vô cùng, hàng có đời đời, đã tạo thành và cai trị vạn vật.

Hỏi: Ta có thể hiểu thấu bản tính Chúa chăng?
Thưa: Ta không có thể hiểu thấu bản tính Chúa vì bản tính tốt vô cùng của Người vượt quá trí khôn hèn mọn của ta.

Hỏi: Phép mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” là thế nào?
Thưa: Phép mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” là bản tính độc nhất của Chúa có Ba Ngôi gọi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần.

Hỏi: Thiên Chúa đã tạo thành loài nào trước hết?
Thưa: Trước hết, Thiên Chúa đã tạo thành loài Thiên Thần để cho loài thiêng liêng ấy hằng chầu chực Người trên Thiên Đàng. 

Hỏi: Thiên Chúa đã tạo thành nhân loại để làm gì?
Thưa: Thiên Chúa đã tạo thành nhân loại để cho loài người nhận biết, kính mến, làm tôi Chúa đời này, và như thế đáng được hưởng phúc với Người trên Thiên Đàng.

Hỏi: Thiên Chúa đã ban cho tổ tông nhân loại sự sống nào?
Thưa: Chúa đã ban cho tổ tông nhân loại sự sống tự nhiên (ở tại linh hồn và thể xác) và sự sống siêu nhiên (ở tại ơn thánh sủng làm cho ta dự vào bản tính Chúa).

Hỏi: Tổ tông nhân loại có truyền cả hai sự sống ấy cho con cháu chăng?
Thưa: Vì đã phạm tội, không suy phục Chúa, nên tổ tông nhân loại đã mất sự sống siêu nhiên không truyền được cho con cháu; sự thiếu thốn ấy gọi là tội tổ tông truyền.

Hỏi: Nhân loại có thể đền tội mình đã phạm ấy chăng?
Thưa: Vì đã phạm đến Chúa, nên tội nhân loại nặng nề vô cùng chỉ có một mình Chúa mới có thể đền được.

Hỏi: Thiên Chúa đã cho ai đền tội nhân loại?
Thưa: Chúa đã cho Ngôi Hai xuống thế làm người, để đền tội nhân loại; tên Người là Giêsu, nghĩa là “cứu thế”.

Hỏi: Đức Chúa Giêsu có phải là Chúa chăng?
Thưa: Đức Chúa Giêsu vừa là Chúa, vì từ trước vô cùng đã có bản tính Thiên Chúa, vừa là một người như ta vì đã có tính loài người, nghĩa là một linh hồn và một thể xác như ta. 

Hỏi: Ai đã ban linh hồn và thể xác cho Chúa Giêsu?
Thưa: Rất Thánh Đức Bà Maria đã ban tính loài người cho Ngôi Hai, cho nên Bà thật là Mẹ Đức Chúa Trời. 

Hỏi: Đức Chúa Giêsu đã tỏ ra bản tính Thiên Chúa của Người cách nào?
Thưa: Đức Chúa Giêsu đã xưng mình là Thiên Chúa, rồi đã làm nhiều phép lạ để làm chứng lời Người nói.

Hỏi: Đức Chúa Giêsu có thiên chức gì ở dưới thế gian?
Thưa: Đức Chúa Giêsu có thiên chức này là giảng đạo Thiên Chúa cho cả nhân loại theo, và chết để đền tội cho loài người ta. 

Hỏi: Đức Chúa Giêsu đã lập Hội Thánh để làm gì?
Thưa: Đức Chúa Giêsu đã lập Hội Thánh để Hội Thánh giảng đạo Thiên Chúa cho tất cả các dân thiên hạ, mãi cho đến ngày tận thế.

Hỏi: Trong đời sau, Đức Chúa Giêsu thưởng phạt các linh hồn cách nào?
Thưa: Trong đời sau, Đức Chúa Giêsu nhận lên Thiên Đàng các linh hồn vẫn có ơn nghĩa thánh và hoàn toàn sạch tội, phạt tạm ở dưới Luyện Ngục các linh hồn có tội nhẹ, đày đời đời ở dưới Hỏa Ngục những linh hồn có tội trọng.

Khoản thứ hai: NHỮNG NGHĨA VỤ PHẢI LÀM

Hỏi: Tại sao mười điều răn của Thiên Chúa gọi là lề luật tự nhiên?
Thưa: Mười điều răn của Thiên Chúa gọi là lề luật tự nhiên vì hợp tính nhân loại, và mọi người đều có thể biết được.

Hỏi: Thờ phượng Chúa là gì?
Thưa: Thờ phượng Chúa là công nhận có một mình Chúa là Bề Trên, và đem lòng tin cậy kính mến Người.

Hỏi: Ta có được dùng tên Chúa mà thề chăng?
Thưa: Ta lấy tên Chúa mà thề thật khi có lẽ cần, là việc lành; lấy tên Chúa mà thề vặt, là tội nhẹ, lấy tên Chúa mà thề dối, là tội trọng.

Hỏi: Vì sao phải đi dự lễ Misa ngày Chúa Nhật?
Thưa: Hội Thánh đã buộc đi dự lễ ngày Chúa Nhật, vì là ngày để thờ Chúa, và không có việc nào tốt để thờ Chúa bằng việc ấy.

Hỏi: Ngày Chúa Nhật cấm không được làm những việc gì?
Thưa: Ngày Chúa Nhật, Hội Thánh cấm không được làm những việc phần xác, chỉ trừ các việc vặt phải làm hằng ngày, các việc cần hẳn không thể hoãn lại được.

Hỏi: Con cái có những bổn phận gì đối với cha mẹ?
Thưa: Con phải tôn kính, yêu mến, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ.

Hỏi: Cha mẹ có những nghĩa vụ nào đối với con cái?
Thưa: Cha mẹ phải chăm lo về nền thể dục, trí dục và đức dục con cái.

Hỏi: Đối với người ta, một giáo hữu có những bổn phận gì?
Thưa: Một giáo hữu phải thương yêu người ta như chính mình: ăn ở đối với người ta, như ta muốn cho người ta cư xử đối với mình.

Hỏi: Đối với sự sống người khác, ta có những bổn phận nào?
Thưa: Ta không được làm mất sự sống phần xác hay phần linh hồn người ta, cũng không được làm những việc mở đường cho sự thiệt hại ấy.

Hỏi: Điều răn thứ sáu và thứ chín cấm những điều gì?
Thưa: Hai điều răn ấy cấm những tư tưởng, tình ước ao, lời nói, trái đức tinh khiết. 

Hỏi: Điều răn thứ bảy và thứ mười cấm những sự gì?
Thưa: Hai điều răn đó cấm không được lấy của người ta hay là làm thiệt hại cho họ.

Hỏi: Điều răn thứ tám dạy gì? 

Thưa: Điều răn thứ tám dạy phải quý trọng danh dự người ta, không lừa dối, nói xấu, vu cáo, làm sỉ nhục người ta.

Khoản thứ ba: NHỮNG PHƯƠNG THẾ PHẢI DÙNG

Hỏi: Đức Chúa Giêsu đã ban những phương thế nào giúp ta làm tròn bổn phận ta?
Thưa: Đức Chúa Giêsu đã ban các phép Bí tích và lời cầu nguyện.

Hỏi: Các phép Bí tích là gì?
Thưa: Các phép Bí tích là những lễ nghi Đức Chúa Giêsu đã lập để ban hay dưỡng sự sống siêu nhiên trong linh hồn ta.

Hỏi: Phép Rửa Tội làm theo lễ nghi nào?
Thưa: Phép Rửa Tội làm theo lễ nghi này, là đổ nước lên trán và đồng thời đọc lời này: Ta rửa tội cho con: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Hỏi: Phép Rửa Tội có những kết quả nào?
Thưa: Phép Rửa Tội phủ sự sống siêu nhiên trong linh hồn ta, làm cho ta trở nên con cái Chúa và Hội Thánh.

Hỏi: Phép Mình Thánh là gì?
Thưa: Phép Mình Thánh là Đức Chúa Giêsu trong hình bánh ngự xuống linh hồn ta để nuôi sự sống siêu nhiên của ta.

Hỏi: Thánh Lễ là gì?
Thưa: Thánh Lễ ở tại sự Đức Chúa Giêsu trong hình bánh rượu dâng mình trên bàn thờ cũng như đã dâng mình cho Đức Chúa Cha trên cây Thánh Giá xưa.

Hỏi: Chúa Giêsu đã lập phép nào để tha tội cho ta?
Thưa: Chúa Giêsu đã lập phép Giải Tội để tha thứ cho ta các tội ta phạm sau khi chịu phép Rửa Tội.

Hỏi: Muốn chịu phép Giải Tội nên, ta phải làm gì?
Thưa: Muốn chịu phép giải tội nên, ta phải xét mình để nhớ các tội, xưng ít là các tội trọng, ăn năn các tội ấy, và dốc lòng chừa, rồi làm đền tội. 

Hỏi: Ngoài các phép Bí tích, có cách nào mà lĩnh ơn lành Chúa chăng?
Thưa: Ngoài các phép Bí tích, có lời cầu nguyện ban cho ta các ơn lành.

Hỏi: Ta phải cầu nguyện lúc nào?
Thưa: Ta phải cầu nguyện tối sáng, cầu riêng ngày Chúa Nhật, và những lúc gặp bổn phận nặng nề, hay là khi ta bị cám dỗ.

HẾT