ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH PHÊRÔ

I. Thông tin về Đại Chủng Viện Thánh Phêrô:

Đại Chủng Viện Thánh Phêrô ở Wigratzbad, Đức, là đại chủng viện đầu tiên được thành lập bởi Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô, là nhà đầu tiên được thành lập theo Giáo Luật, và là nhà chung của Huynh Đoàn; nằm trên ranh giới cổ giữa Bavaria và Swabia, rất gần với biên giới của Đức với các nước láng giềng là Áo và Thụy Sĩ; cách thành phố cổ nổi tiếng Lindau trên hồ Constance dưới chân dãy Alpes chưa đầy hai mươi kilômét.

Ngôi làng nhỏ Wigratzbad ở thị trấn Opfenbach đã được biết đến rộng rãi như một trung tâm hành hương từ nhiều thập kỷ trước khi có sự xuất hiện của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô. Những khách hành hương tới đây từ những vùng lân cận, và thậm chí vượt ra khỏi biên giới nước Đức như Áo, Thụy Sĩ, Pháp. Nơi đây được dâng hiến đặc biệt để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa dưới tước hiệu “Mẹ Chiến Thắng, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Nơi hành hương khởi nguồn từ cuộc đời phi thường của chị Antonie Rädler, kể từ những năm 1930 và đã ngày càng phát triển qua nhiều năm rồi trở thành một trung tâm hành hương để tôn kính Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria. Chị Antonie Rädler và nguyên giám đốc trung tâm hành hương, Cha Johannes Schmid thuộc dòng Thương Khó, đã tiên đoán về một đại chủng viện sẽ được đặt tại Wigratzbad rất nhiều năm trước khi Huynh Đoàn được thành lập.

Sau khi Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô được thành lập vào mùa thu năm 1988, những vị sáng lập bắt đầu tìm kiếm một địa điểm thích hợp để trở thành nơi đào tạo các Linh mục. Ngay từ tháng 08 năm 1988, Đức Tổng Giám mục Josef Stimpfle của Augsburg đã thông báo rằng ngài sẽ chấp thuận cho Huynh Đoàn đặt Đại Chủng Viện ở Wigratzbad. Vào tháng 11 năm 1988, 31 Chủng sinh bắt đầu việc đào tạo của mình. Cha Josef Bisig vừa là Bề trên Tổng quyền của một tu đoàn non trẻ vừa là Giám đốc của Đại Chủng Viện mới được hình thành. Từ khi thành lập, các Chủng sinh đã được chia thành hai nhóm ngôn ngữ, tiếng Pháp và tiếng Đức. Các Chủng sinh đến từ các quốc gia trên thế giới sẽ lựa chọn để theo học chương trình được giảng dạy bằng một trong hai ngôn ngữ trên.

Cho đến mùa thu năm 2000, dưới sự dẫn dắt của Cha Josef Bisig, Cha Christian Gouyaud, Cha Gabriel Baumann và Cha Patrick du Faÿ, Đại Chủng Viện được đặt trong trung tâm hành hương. Trong những năm này, chương trình giảng dạy ngày càng phát triển, và Đại Chủng Viện đã vinh dự được đón tiếp các Hoàng tử của Giáo Hội như Đức Hồng Y Paul Mayer, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Đức Hồng Y Édouard Gagnon, Đức Hồng Y Alfons Stickler và Đức Hồng Y Hans Gröer, cũng như nhiều vị Tổng Giám mục và Giám mục khác nữa. Trong những năm đó, vấn đề quan trọng là sự thiếu hụt lớn về diện tích, vì vậy Cha Bề trên Tổng quyền và Cha Giám đốc đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở mới ngay gần đó để phục vụ nhu cầu của Đại Chủng Viện.

Vào đầu học kỳ mùa thu năm 2000, và với sự bổ nhiệm Cha Giám đốc mới, Cha Bernward Deneke, công trình Đại Chủng Viện được hoàn thành. Đức Hồng Y Darío Castrillón Hoyos đã viếng thăm Đại Chủng Viện và long trọng làm phép vào ngày 02 tháng 12 năm 2000. Hiện nay, Đại Chủng Viện Thánh Phêrô, dưới sự dẫn dắt của Cha Vincent Ribeton (được bổ nhiệm làm Cha Giám đốc từ năm 2018), là nơi tu học và rèn luyện của gần 90 Chủng sinh đến từ 20 quốc gia trên thế giới.

II. Thời gian biểu thường ngày tại Đại Chủng Viện:

06g00′: Thức dậy
Khi đồng hồ báo thức vang lên trong các sảnh đường của Đại Chủng Viện, là 06g00′ sáng, anh em hãy thay đồ và bước đến Nhà Nguyện.

06g25′: Cầu nguyện riêng và Kinh Sáng (Laudes)
Đời sống của Linh mục là sự kết hợp giữa Thiên Chúa và loài người, các Chủng sinh là các Linh mục tương lai, phải hăng hái tìm cách hướng toàn thể con người của mình về Thiên Chúa. Vì vậy, một ngày mới sẽ bắt đầu với nửa giờ để cầu nguyện riêng, sau đó, cộng đoàn sẽ cùng nhau hát Kinh Sáng để ngợi khen Thiên Chúa. 

07g15′: Thánh Lễ
Thánh Lễ cộng đoàn sẽ là lễ Hát (Missa Cantata) đối với những ngày lễ bậc II và mỗi thứ sáu đầu tháng, và sẽ là lễ Trọng Thể (Missa Solemnis) đối với những ngày lễ bậc I. Trong khoảng thời gian này, các Linh mục còn lại sẽ cử hành lễ Riêng Tư (Missa Privata) tại những bàn thờ khác trong Đại Chủng Viện.

08g00′: Bữa sáng
Sau khi linh hồn đã được nhận lãnh lương thực, cộng đoàn sẽ bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, các Chủng sinh cần phải giữ sức khỏe thật tốt. Mens sana in corpore sano – một trí tuệ sáng suốt ở trong một cơ thể khỏe mạnh. Để sự suy niệm sau Rước Lễ được kéo dài, bữa sáng được thực hiện trong thinh lặng từ 08g00′ sáng đến 08g30′ sáng.

08g40′: Học tập
Các tiết học đầu tiên sẽ bắt đầu lúc 08g40′ sáng với mỗi tiết học dài 45 phút. Chương trình được phân theo các chu kỳ: năm Tu đức, chu kỳ hai năm Triết học, và chu kỳ bốn năm Thần học. Việc đào tạo vô cùng phong phú và đa dạng: Triết học, Thần học, Chú giải Thánh Kinh, Phụng vụ, Lịch sử Giáo Hội, Giáo Luật, tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Do Thái, … Các tiết học sẽ kết thúc lúc 12g00′.

12g15′: Kinh Trưa Giờ Sáu (Sexta)
Cộng đoàn sẽ lại quy tụ trong Nhà Nguyện để đọc Kinh Trưa Giờ Sáu và kinh Truyền Tin.

12h30′: Bữa trưa
Bữa trưa cũng giống những bữa ăn khác, thường được diễn ra trong thinh lặng, trừ Chúa Nhật, ngày lễ trọng, và ngày thứ tư. Sự thinh lặng kéo dài cho đến khi bắt đầu món tráng miệng khi một Chủng sinh theo lượt mỗi tuần hoàn thành nhiệm vụ của mình bằng cách đọc cho cộng đoàn nghe một cuốn sách hoặc một bài báo do một vị giáo sư chọn.

13g00′: Thư giãn
Sau bữa trưa, các Chủng sinh sẽ được thư giãn đến 14g00′, các Chủng sinh trò chuyện với nhau, đi dạo, đọc báo, hoặc chơi thể thao như bóng bàn, bóng đá, …

14g00′: Học tập
Các Chủng sinh có thể tùy chọn nửa giờ để nghỉ trưa từ 14g00′, và buổi chiều thường được dành cho việc tự học. Tùy theo các ngày trong tuần và các năm trong chu kỳ, các Chủng sinh sẽ được phân công những công việc khác nhau, cũng có thể dành thời gian trau dồi thêm kiến thức trong thư viện, hoặc tham gia một khóa học ngôn ngữ (bắt buộc phải hoàn thành các khóa học về tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, và tiếng Do Thái trước khi chu kỳ Thần học kết thúc). Thời gian học tập này được gián đoạn với 15 phút dành cho bữa xế để thêm tình huynh đệ. Và kết thúc thời gian học tập này vào lúc 18g00′.

18g30′: Kinh Chiều (Vesper)
Với ngày học tập và làm việc kết thúc vào lúc 18g00′, các Chủng sinh của năm Tu đức (năm thứ nhất) sẽ đến Nhà Nguyện để suy ngẫm cách đặc biệt về ơn gọi Linh mục. Giây phút thinh lặng và hoàn toàn phó thác, đối thoại với chính Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Vào lúc 18g30′, tất cả các Chủng sinh một lần nữa được quy tụ để hát Kinh Chiều trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Vào ngày thứ tư, sẽ có lần hạt Mân Côi; và vào ngày thứ năm, sẽ có giờ chầu Thánh Thể.

19g00′: Bữa tối
Bữa tối diễn ra như bữa trưa.

19g30′: Thư giãn
Hai lần mỗi tuần sẽ có một buổi chia sẻ thiêng liêng do một Linh mục của Huynh Đoàn chủ trì hoặc một Linh mục khác ghé thăm Đại Chủng Viện.

20g15′: Kinh Tối (Completorium)
Lúc 20g15′ (hoặc 20g45′ tùy ngày), toàn thể cộng đoàn quy tụ để hát Kinh Tối, cầu nguyện với Chúa, gửi đến Chúa những tội đã phạm trong ngày, và cảm tạ Chúa sau một ngày dài. Kinh Tối báo hiệu sự kết thúc của một ngày, và sự bắt đầu của sự thinh lặng tuyệt đối vô cùng tuyệt vời của ban đêm; thời điểm mà các Chủng sinh cùng toàn thể Đại Chủng Viện phó thác linh hồn và xác trong Chúa và Đức Mẹ với hết tâm tình, với cả trái tim. Như vậy, kết thúc một ngày của một Chủng sinh, với sự ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Chân Thật, để Người hưỡng dẫn mỗi Chủng sinh mọi ngày cho đến tận thế.

22g00′: Tắt đèn
“Đối với tôi, đêm là ngày khi tôi có Thiên Chúa ở trong tim mình, và ngày là đêm nếu tôi không có Người.” – Thánh Phanxicô đệ Salê

III. Gia nhập Đại Chủng Viện:

Nếu như anh nhận thấy anh có ơn gọi Linh mục với Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô, anh hãy đến gặp một Linh mục thuộc Huynh Đoàn, chính vị ấy sẽ gửi những nhận xét, đánh giá đầu tiên về anh đến Đại Chủng Viện.

1. Điều gì nên là sự ước muốn của một Chủng sinh?
Một người nam không vào Đại Chủng Viện chỉ để trở thành một Linh mục, nhưng trước hết để được nên thánh. Sự thánh thiện bao gồm việc sống theo sự thật trong đức ái, luôn làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Khi cầu nguyện không ngừng, sẽ nhận lãnh được ân sủng để được như thế. Phải có ý ngay lành, một tinh thần vững mạnh, và có lòng nhiệt thành. Phải dứt khoát rằng sự say yêu ơn gọi Linh mục không được đến từ việc muốn chạy trốn khỏi thế gian hoặc có những khó khăn trong cuộc sống.

2. Độ tuổi quy định của một Chủng sinh:
Một Chủng sinh khi gia nhập phải từ 18 tuổi đến 35 tuổi. Phải có sự trưởng thành, quân bình về tâm sinh lý, sức khỏe tốt, và sự kiên trì. Các Chủng sinh được khuyến khích hoàn thành chương trình Đại học trước khi gia nhập hoặc ít là dành 2 năm trong trường Đại học.

3. Ngôn ngữ đào tạo tại Đại Chủng Viện:
Đại Chủng Viện có chương trình đào tạo với hai ngôn ngữ dành cho hai nhóm Chủng sinh khác nhau – nhóm tiếng Pháp và nhóm tiếng Đức. Vì thế, các Chủng sinh trước khi gia nhập phải thông thạo một trong hai ngôn ngữ này. Nếu bạn sử dụng tiếng Anh, xin xem thông tin về Đại Chủng Viện Đức Bà Guadalupe của chúng tôi.

4. Chương trình đào tạo trong bao lâu?
Các Đại Chủng Viện của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Phêrô sẽ thực hiện việc đào tạo trong 7 năm: năm Tu đức, hai năm Triết học, và bốn năm Thần học. Chủng sinh sẽ được truyền chức Phó tế sau khi hoàn thành chương trình Thần học. Sau khi chịu chức Phó tế, vị đó sẽ được huấn luyện thêm tại Đại Chủng Viện trong 7 tuần, và được gửi đi mục vụ tại các giáo xứ của Huynh Đoàn trong 1 năm, trước khi chịu chức Linh mục.

5. Trình độ học vấn:
Các Chủng sinh khi gia nhập được yêu cầu phải có trình độ học vấn tương đương với điều kiện để theo học tại một trường Đại học ở châu Âu.

6. Chi phí tại Đại Chủng Viện:
Mỗi Chủng sinh cần 350 Euro mỗi tháng tại Đại Chủng Viện. Tuy nhiên, lưu ý rằng, việc đóng góp là hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng kinh tế của mỗi người. Do đó, chi phí không phải là một trở ngại để một người nam bước theo ơn gọi Linh mục tại Đại Chủng Viện của Huynh Đoàn.

7. Hồ sơ nộp vào lúc nào?
Hồ sơ phải được hoàn thành và nộp đến Đại Chủng Viện trễ nhất là tháng chín.

8. Việc cần làm đầu tiên là gì?
Hãy cầu nguyện để xin Thiên Chúa cho biết ý định của Người. 
Hãy phó thác vào sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. 
Hãy trao đổi với một Linh mục tốt.